Không khoanh tay nhìn “đứt gãy”
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Du lịch ảm đạm. Hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú, cửa hàng kinh doanh tại các tuyến phố du lịch phải tạm thời đóng cửa. Nhiều cơ sở đề biển rao bán hay sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Doanh nghiệp du lịch không có doanh thu phải cắt giảm lao động, chi phí, thậm chí ngừng hoạt động.
“Không khoanh tay đứng nhìn ngành du lịch “đóng băng” vì dịch bệnh, ngay khi làn sóng Covid-19 lần thứ nhất qua đi, ngành du lịch đã nhanh chóng vào cuộc, bằng những chính sách kích cầu mạnh mẽ. Cụ thể là kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2020 nhằm tạo đà phục hồi và phát triển du lịch…”, ông Hiếu bày tỏ.
Hà Nội hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, tạo được màu sắc riêng của Thủ đô. Từ tháng 6/2020, 23 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển đã triển khai 346 tour kích cầu du lịch nội địa. 58 doanh nghiệp lữ hành liên kết tung ra 1.000 sản phẩm tour giảm giá từ 5 - 70%... Đó là những tín hiệu bước đầu cho những nỗ lực từ tâm dịch Covid-19 tại Thủ đô. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 lây lan lần thứ hai trong cộng đồng, một lần nữa ngành du lịch đứt gãy.
Từ kinh nghiệm phòng dịch và đẩy mạnh kinh doanh trước đó, trong tháng 11/2020, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM, Khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Lễ hội hoa dã quỳ cùng trải nghiệm khinh khí cầu tại Vườn Quốc gia Ba Vì… Đây là những động thái tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành du lịch và của thành phố phát động nên đã thu hút một lượng nhất định khách du lịch đến Thủ đô.
Với những bước đi đầy chiến lược, du lịch Thủ đô một lần nữa đã khẳng định được sức hút của mình. Theo số liệu của Sở Du lịch năm 2020, lượng khách đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách, bằng 30% so với năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách, bằng 15,8%. Con số này dù giảm so với năm 2019 nhưng là kết quả tích cực trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch bệnh, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.
Xuân mới, niềm tin mới
Là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước dịp đầu xuân thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển du lịch, Ban tổ chức Lễ hội - Du lịch Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) năm 2021 đã chọn chủ đề: “Chùa Hương điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng kế hoạch chi tiết các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh song song với việc tổ chức lễ hội. Cụ thể, phương án số 1 khi tình hình ổn định dịch Covid-19 không lây lan trong cộng đồng. Phương án số 2, dịch Covid-19 bùng phát trở lại với 3 tình huống.
“Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu lượng khách du lịch về chùa Hương tăng cao. Năm 2019 và 2020 trong ngày khai hội có khoảng gần 40.000 người trẩy hội. Lễ hội tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố và huyện Mỹ Đức trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Chủ động xây dựng phương án ứng phó với các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong quá trình diễn ra lễ hội. Ban tổ chức làm tốt công tác quản lý và tổ chức điều hành lễ hội đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, giao thông đi lại thuận tiện, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường…”, ông Hiển nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu nhận định, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Trong đó có du lịch và thị trường khách vẫn tập trung khai thác nội địa do chưa có khả năng đón khách quốc tế.
Ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi và phát triển, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất cho năm 2021. Cụ thể, Hà Nội sẽ đón tổng lượng khách từ 13,16 – 19,04 triệu lượt khách, tăng từ 45% - 65,5% so với năm 2019. Trong đó, khách nội địa đạt từ 10,96 – 15,34 triệu lượt khách, tăng từ 50% - 70% so với năm 2019. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt từ 45% - 50%.
Ông Hiếu cũng chỉ ra những cơ hội cho du lịch Thủ đô trong năm 2021. Đơn cử, Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn của khu vực, như SEA Games 31, ASEAN Para Games 11…
“Đây sẽ là cơ hội lớn để quảng bá, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô, thu hút lượng lớn du khách đến với Hà Nội. Tiếp tục thực hiện nghiêm “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển du lịch. Chiến lược xuyên suốt trong năm 2021 là Hà Nội sẽ xây dựng các sản phẩm kích cầu nội địa. Trong đó, tập trung hướng dẫn các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch nhanh chóng cập nhật thông tin hàng ngày trên Bản đồ quốc gia chung sống an toàn với dịch Covid-19 để tạo niềm tin cho du khách với hình ảnh du lịch Thủ đô hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa gắn với quá trình cơ cấu lại sản phẩm du lịch, thị trường du lịch, khai thác hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể của Hà Nội, đẩy mạnh liên kết gắn kết chặt chẽ với chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng, cả nước và quốc tế…”, ông Hiếu nói.
Thống kê của Sở Du lịch trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021, Hà Nội ước đón gần 118.500 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đến có lưu trú khoảng gần 4.500 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 114.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 302 tỷ đồng.
“Đây là những tín hiệu tích cực và là cơ hội, lợi thế tạo động lực để ngành du lịch thành phố tập trung khai thác nhằm vực dậy nhanh nhất hoạt động du lịch sau dịch bệnh. Đồng thời, cũng là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá, cải thiện các sản phẩm du lịch, đa dạng các loại hình du lịch lợi thế để thu hút khách du lịch trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân cũng như trong năm 2021...”, ông Hiếu nhấn mạnh.