Hà Nội: Nới lỏng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

GD&TĐ - Ngày 19/9, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội họp giao ban với Sở Chỉ huy các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đánh giá và triển khai công tác các biện pháp phòng, chống dịch của TP. 

Xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên đang được tiến hành tại các chợ cho người quản lý, làm việc bán hàng hàng tuần
Xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên đang được tiến hành tại các chợ cho người quản lý, làm việc bán hàng hàng tuần

Theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, dự kiến, sau ngày 21/9, TP sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ. Điểm đỏ thì áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là "vùng vàng", còn lại là vùng xanh.  Việc thực hiện giải pháp này theo tinh thần “không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”.

Theo nhận định của lãnh đạo TP, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh, thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Do đó, các quận, huyện, thị xã phải chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo phương hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. 

Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR; Bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; Bảo đảm các điều kiện cần thiết để các trường học chuẩn bị đón học sinh, sinh viên trở lại học tập.

Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế, các địa phương cũng cần chủ động các phương án phòng, chống dịch.

Công tác y tế:

Theo Sở Y tế, tính từ 18h ngày 18/9/2021 đến 18h ngày 19/9/2021, Hà Nội ghi nhận 19 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca trong khu cách ly, 2 ca trong khu vực phong tỏa. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.922 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.597 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.325 ca. Hiện nay, thành phố còn 44 điểm đang phong tỏa; 1.025 bệnh nhân đang điều trị.

Toàn thành phố đã lấy 4.711 mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 11 mẫu dương tính; TP và các Bệnh viện Trung ương đã tiêm trên 5.671 nghìn mũi 1.

Sở Y tế Hà Nội kiến nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm trả mũi 2; Đẩy nhanh tiến độ trạm y tế lưu động; Tăng cường phát hiện và xét nghiệm các trường hợp sốt, ho, khó thở.

Trong ngày 19/9/2021, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin Covid-19 được 9.827 mũi tiêm. Cộng dồn tới 18h00 ngày 19/9/2021, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội, tổng số mũi tiêm thực hiện được là 5.385.333.

Khai báo y tế, theo dõi truy vết: 

Số người dân cài đặt Bluzone đến 18h00 ngày 18/9/2021 là: 3.384.486 trên tổng số 8.053.663 dân (tỷ lệ 42,02%). Cài đặt mới trong ngày: 4.209. 

Tổng số địa điểm quét mã QR đến ngày 19/9/2021: 280.701. Số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 18/9/2021: 4.615, trung bình 7 ngày 4.530, số địa điểm QR Code có lượt quét mã QR trong ngày 18/9/2021: 24.516 trung bình 7 ngày 20.181. Trung bình 7 ngày vừa qua: 146.796 lượt. 

Tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trong ngày 100.103 người, trung bình 7 ngày vừa qua 103.928. Các địa phương có lượt quét cao: Thanh Trì, Hà Đông, Thanh Oai. 

Tính đến ngày 18/9/2021, thành phố Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm: 7.796.110; số tờ khai trong ngày: 85.133 tờ khai, giảm 29.805 so với ngày hôm trước (114.938), trung bình 7 ngày 134.193 trường hợp.

Ngày 18/9/2021, có tổng cộng 238 người khai báo tình hình ho sốt khó thở, giảm 67 trường hợp so với ngày hôm trước (305); trong đó: có 60 người khai báo ho, sốt qua bluezone, giảm 35 so với ngày hôm trước (95); có 178 người khai báo ho sốt qua tokhaiyte, giảm 32 trường hợp so với ngày hôm trước (210).

Tiếp nhận, xử lý phản ánh qua hotline, Zalo, Bluezone: 

Từ 06h đến 18h ngày 19/9/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tiếp nhận thêm 279 cuộc gọi, tin nhắn, trong đó giải đáp 252 phản ánh, chuyển xử lý 27 phản ánh. Lũy kế từ ngày 22/7/2021 đến thời điểm báo cáo: 30.319 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, giải đáp 24.719 phản ánh, chuyển xử lý 5.600 phản ánh.

Tiếp nhận, xử lý thông tin từ Tổng đài 1022 

Từ ngày 20/8/2021 đến 12h00 ngày 19/9/2021: Đã tiếp nhận 24.200 cuộc gọi đến, trong đó: số cuộc đáp ứng là 16.509, đạt 68,22 %, đã giải đáp/xử lý/tư vấn là 11.402, đã chuyển tới cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền 1.740.

Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 3): 6650/10.950 cuộc gọi đi thành công; Số người được tư vấn, chăm sóc F0 là 1.360.

An sinh xã hội:

Đến 15h, ngày 19/9/2021, các Sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.143,879 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 866,174 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 277,704 tỷ đồng).

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội và một số quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ cho 980.548 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 274,273 tỷ đồng.

Đến nay, Sở Lao động TB&XH đã tiếp nhận và xử lý thông tin 1.986 cuộc gọi của người dân đến Tổng đài 1022. 

Qua hơn 1 tháng hoạt động, đường dây nóng của MTTQ các cấp đã tiếp nhận trên 3.167 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ, xin tư vấn về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố cho người lao động... MTTQ các cấp đã trao hỗ trợ cho 2.247 trường hợp, trị giá trên 766 triệu đồng. Hiện, Ủy ban MTTQ các cấp đang tập trung triển khai rà soát lập danh sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch theo tinh thần Công văn số 1371/MTTQ-BTT ngày 9/9/2021 của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố.

Kiểm tra xử lý vi phạm: 

Từ 15h ngày 18/9/2021 đến 15h ngày 19/9/2021, lực lượng chức năng của Thành phố Hà Nội đã xử phạt 192 vụ vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19, với số tiền 272.000.000 đồng. 

Hành vi vi phạm phổ biến bao gồm: Ra ngoài khi không thực sự cần thiết (170 vụ); Không đeo khẩu trang nơi công cộng (09 vụ); Không giữ khoảng cách khi tiếp xúc (07 vụ); Vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định (06 vụ)… 

23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào Thành phố đã kiểm soát 13.271 lượt phương tiện (trong đó 15 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 15.998 lượt người qua chốt; yêu cầu 2.669 lượt phương tiện quay đầu (1.734 không vào Thành phố, 935 không ra ngoài Thành phố). 

12 tổ Cơ động mạnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác, đã kiểm soát 7.278 lượt người, trong đó phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 10 trường hợp với 11.000.000 đồng (ra đường không có lý do cần thiết và các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.