Dấu ấn Hồ Gươm
Xin được bắt đầu từ Hồ Gươm - nơi mà dù là du khách hay những người đang sống ở Hà Nội, cũng đều muốn đặt chân tới. Và Nhìn từ Hồ Gươm (NXB Thanh Niên, 2019) là cuốn sách hợp tuyển lại những bài ký, ghi chép và tạp văn tương đối tiêu biểu đã in trên báo Hà Nội mới Cuối tuần 30 năm qua.
Từ điểm nhìn Hồ Gươm, các tác giả như nhà văn Tô Hoài, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà…; các nhà thơ: Trúc Thông, Tạ Hữu Yên, Hoàng Cát, Phong Thu… và rất nhiều nhà báo ở nhiều thế hệ đã dẫn người đọc đi qua những thăng trầm của Hà Nội, đi trong những rung cảm của tiết mùa để thấy Hà Nội nói chung, Hồ Gươm nói riêng, lúc nào cũng có những nét đẹp và những điều cần hoàn thiện để đẹp hơn.
Có thể gặp ở đây nhà văn Tô Hoài với nhận xét tinh tế về “Người Thủ đô”: “Hà Nội là một thành phố khác các thành phố, các trung tâm dân cư trong cả nước. Ở đây mỗi tên phố, tên đường, mỗi quận, huyện, thị trấn, mỗi phường xã, một dòng sông, hay một đầm hồ, một gò đống, thậm chí đến một dòng họ, một nghề cũ cũng đều dính dấp đến mọi mặt lai lịch, lịch sử”.
Và cũng có thể gặp Đỗ Phấn khi ông chỉ ra một thực tế, “Hà Nội là nơi tập trung nhiều sắc dân vào loại nhất nước. Chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên tính cách hòa đồng tôn trọng không phân biệt. Nhưng nó cũng chính là một yếu điểm trong tâm lý của người Hà Nội. Không bằng lòng đấy nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng góp ý mà thôi. Chẳng gay gắt bao giờ.
Ngày trước khi ai đó nhắc đến chợ Đồng Xuân thì đều có chung suy nghĩ là một nơi hổ lốn ô hợp và tệ nạn trộm cắp lừa đảo. Hà Nội chung quy chỉ có hai loại người xưa nay mà thôi. Đó là tầng lớp trí thức và doanh nhân. Lớn nhỏ tùy theo điều kiện mỗi nhà. Và hai tầng lớp này hòa đồng, đổi chỗ cho nhau liên tục qua các thời kỳ. Không hiếm trí thức đi buôn và con cái doanh nhân trở thành những trí thức tiêu biểu” (Đô thị đáng sống).
Hoài niệm phố cổ
Từ Hồ Gươm, đi bộ một chút là lên phía Hàng Ngang - Hàng Đào. Khu phố cổ Hà Nội. Đó cũng chính là chủ đề của cuốn Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức (NXB Kim Đồng, 2019). Sách viết về khu phố cổ Hà Nội đã nhiều, nhưng chọn hình thức thể hiện như cách mà nhóm thực hiện cuốn Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức thì có lẽ là lần đầu tiên.
Điều góp phần tạo nên nét riêng của sách, chính là hơn 200 bức tranh ký họa bằng nhiều chất liệu của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi). Từng góc phố, từng mái nhà, những khuôn cửa, những bảng hiệu mang vết dấu thời gian được nhìn qua lăng kính của các họa sĩ, kiến trúc sư, và hiện ra trên những bức ký họa khiến người ta, dù ở gần hay đang ở xa, đều thấy yêu, thấy nhớ Hà Nội.
Đan xen với những bức ký họa ấy, là các bài viết vừa cung cấp tư liệu về khu phố cổ Hà Nội, vừa gợi lại ký ức hoặc cảm hứng với nhiều câu chuyện, nhiều trải nghiệm mà các nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư đã ghi lại. Nó sống động như ta có thể chạm tay vào, thậm chí có thể ngửi thấy “Mùi Hà Nội” trong bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương, có thể biết thêm nhiều câu chuyện phía sau những ngôi nhà trong khu phố cổ khi đọc bài của GS.KTS Phạm Đình Việt, Nguyễn Ngọc Huân, Nguyễn Gia Chiêu…
Một tình yêu da diết
Nếu đọc hai cuốn Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức, Nhìn từ Hồ Gươm bắt gặp những cái nhìn gần, cận cảnh, để thấy tình yêu đan cài với day dứt thì cầm đọc cuốn Từ xa Hà Nội (NXB Trẻ, 2019), ta lại gặp cái nhìn của một người con xa xứ. Đó là tác giả Mai Lâm, hiện định cư ở Đức.
Thoạt đầu ông dùng điện thoại viết chơi trên Facebook cá nhân để “giết thời gian trống trải” nơi quê người, sau không ngờ được nhiều người thích, chia sẻ và gợi nhắc, Mai Lâm đã tập hợp và in thành cuốn sách Từ xa Hà Nội. Như tên gọi, đó là những câu chuyện được tác giả viết từ nơi xa, nhớ về một thời đã sống và gắn bó với Hà Nội. Những câu chuyện liên quan nhiều đến người thân, bạn bè thuở ấu thơ nhưng đọc xong, người ta thấy vọng về Hà Nội một thời, thời của nghèo, của khó, của tình người còn đong đầy, đọng mãi.
Cũng nhìn từ nơi xa, Hà Nội hoa tình (Liên Việt & NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Hoài Hương vừa ra mắt chiều 9/10 cho thấy một tình yêu da diết với Hà Nội của một người đang gắn bó với Sài Gòn. 49 tản văn, trong đó có 36 bài viết về Hà Nội: Mưa phùn, Mộng đào xuân giữa Hà Nội phố, Tím violet chiều Hồ Gươm, Thơm từng búp gió sen hồng Hồ Tây… cho thấy Hoài Hương như một người “phải lòng” Hà Nội. Đúng hơn, phải lòng những mùa hoa của Thủ đô. Xuân mang hoa sưa rắc trắng phố phường, mang violet tím sẫm chiều Hồ Gươm; còn phượng vỹ dệt nên sắc màu mùa hạ; cúc họa mi se sẽ gọi thu về…
* * *
Đang và sẽ còn những cuốn sách viết về Hà Nội ra đời. Đang và sẽ còn những góc nhìn khác nhau về Hà Nội sẽ được xuất bản. Tất nhiên là vậy. Nhưng Hà Nội dù nhìn gần, hay nhìn xa, nhìn từ cự ly nào đi chăng nữa cũng đều thể hiện cái tình của người viết. Nhìn từ Hồ Gươm, Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức, Từ xa Hà Nội, Hà Nội hoa tình là những mảnh tình yêu như thế, chụm lại, trong mùa thu Hà Nội này.