Ngày 7/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô, Sở đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao Sở chủ trì chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng từ tháng 9 đến tháng 12/2020 với khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.
Cụ thể, theo chương trình này, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Trường hợp người dân mang xe máy cũ (trên 18 năm tuổi) đến các địa điểm quy định để đo kiểm về khí thải, nếu xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải sẽ được hỗ trợ với các cơ chế khác nhau.
Nếu người dân muốn đổi xe máy, Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp. Hoặc người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng (dự kiến thí điểm 5.000 xe máy).
Đề cập đến thực trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thủ đô, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, hiện địa bàn toàn thành phố có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Đáng chú ý, nguồn khí thải từ các phương tiện xe mô tô và ô tô trên gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Để từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Báo cáo số 7008/BC-STNMT-CCBVMT trình UBND thành phố về việc triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.
Về nguồn kinh phí để thực hiện chương trình, ông Mai Trọng Thái cho biết, dự kiến có hai nguồn kinh phí, đó là Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe... Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì các hoạt động tuyên truyền với kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020.
Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị phối hợp thực hiện, báo cáo thành phố trước ngày 15/9/2020 để có phương án khả thi nhất.