Hà Nội “ngập” trong các dự án cải tạo sông Tô Lịch

GD&TĐ - Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) vừa gửi UBND thành phố Hà Nội đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch. Giải pháp này sẽ biến nơi đây thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”. Theo mô hình thì giải pháp này rất hay, nhưng liệu có khả thi?

Phối cảnh sông Tô Lịch theo một dự án.
Phối cảnh sông Tô Lịch theo một dự án.

Biến sông Tô Lịch thành công viên

Hướng tới kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 15/9 Công ty JVE vừa gửi đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Trong đó, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy, mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành.

Sông Tô sẽ được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu.

Dọc theo bờ sông dài 15km, công viên như cỗ xe thời gian đưa du khách về cội nguồn lịch sử của dân tộc, từ thời Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân – Tổ Mẫu Âu Cơ đưa 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Đến các đời Vua Hùng dựng nước Văn Lang và các triều đại trong lịch sử Việt Nam. 

Suốt dọc dòng sông có xây dựng các “Lầu Thủy đình” hay còn gọi là “Lầu Vọng Nguyệt”. Mỗi người dân Thủ đô cũng như du khách có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh tới các đền, chùa, tham quan vãn cảnh trên thuyền rồng. Bắt đầu từ khu Lầu Vọng Nguyệt thời nhà Lý cho đến cuối sông. Đặc biệt, suốt dọc dòng sông có tượng đài của các vị vua sáng lập nên các triều đại trong lịch sử…

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, sông Tô Lịch nhiều năm qua đã trở thành dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm được đặt ra nhưng đều chưa đem lại kết quả. 

Điển hình là năm 2016, một dự án thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch (đó là Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự án này sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2019 nhưng đến giờ vẫn ngổn ngang.

Ngoài ra, trong vòng 10 năm qua còn có hàng loạt các dự án, phương thức lớn nhỏ khác nhau được thực hiện với mục đích làm sạch sông Tô Lịch. Nhưng rồi con sông này vẫn ô nhiễm, mùi hôi thối là nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô.

“Sự lúng túng, loay hoay của chính quyền Hà Nội trong việc lựa chọn giải pháp cứu sông Tô Lịch là do chưa có một quy hoạch bài bản. Hà Nội chưa có một cơ quan chuyên trách để thực hiện việc giải quyết ô nhiễm các con sông. Nên dường như Hà Nội đang “ngập” trong ma trận giải pháp, thiếu đầu tư quyết liệt để làm sạch sông Tô Lịch”, GS Vũ Trọng Hồng nhận định.

Công nghệ của JVE liệu có khả thi?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) là đơn vị năm 2019 từng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng phương pháp công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.

Theo đại diện JVE, đề xuất lần này không chỉ đơn thuần là xử lý môi trường mà còn xây dựng hệ thống cảnh quan Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch. Đặc biệt là đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông. Đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. 

Một đề xuất được vẽ ra vô cùng hoàn hảo nhưng liệu có khả thi và chồng chéo vào các dự án khác? PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, thực tế Hà Nội đã, đang triển khai hệ thống cống ngầm gom nước thải rồi. Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân nhiều quận huyện.

Việc tiếp tục đề xuất nữa khiến chồng chéo về giải pháp. Thứ nữa, trong cải tạo các dòng sông, ít tác động vào nó nhất có thể là giải pháp tốt nhất. Hàng loạt hạng mục hoành tráng mọc lên trên sông sẽ biến sông Tô Lịch thành một đại công trình chứ không phải là dòng sông nữa. 

GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, trong quy hoạch sông Tô Lịch, cần thiết phải đưa ra các phương án tốt nhất làm sạch dòng kênh này. Không nên xây dựng các công trình quy mô, tầm cỡ “đè” lên sông mà tôn trọng tự nhiên, tạo cảnh quan thiên nhiên hài hòa sẽ là giải pháp tốt nhất.

Ý tưởng phát triển du lịch, tàu thuyền trên sông cũng không khả thi do đây là con sông có độ dốc lớn để thoát nước. Việc xây dựng, tác động quá lớn vào dòng sông bằng những công trình tầm cỡ sẽ có nguy cơ “phá nát” cảnh quan thiên nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ