Cống ngầm dưới lòng sông
Chiều 18/5, UBND Hà Nội tổ chức lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch. Theo đó, hệ thống cống gom nước thải dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, trong quá trình rà soát thiết kế dự án đã điều chỉnh phương án đặt cống từ dưới lòng đường hoặc hai bên bờ sông xuống dưới lòng sông. Việc này được cho là giúp giảm thiểu xung đột hệ thống công trình ngầm và không phá vỡ công trình, tiện ích, hạ tầng đô thị hiện có. Các kỹ sư Nhật Bản sẽ trực tiếp thực hiện dự án với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.
Trước đó, ngày 28/4, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội (BQLDA) tiến hành đưa công nghệ khoan kích ngầm (Pipe Jacking) vào hoạt động để thu gom nước thải. Sau khi khoan kích ngầm, những ống cống đường kính 2m2 sẽ được đặt vào nối liền với nhau để đưa nước vào bể chứa. Công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng tại Thủ đô, đem đến hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, không phải đào xới bên trên mặt đường nên không ảnh hưởng đến giao thông, đường xá, cầu cống... Dẫn đến không làm ùn tắc hệ thống giao thông, đời sống của dân cư trong khu vực thi công.
Kỹ thuật thi công này khi làm qua lòng sông Tô Lịch sẽ giúp vượt qua lòng sông, có thể thi công ở độ sâu dưới 6m giúp giảm thiểu những rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở. Việc thi công khoan kích gói thầu số 1 có tổng chiều dài 196m từ giếng kích 14 đến trạm bơm nước thải đầu vào. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQLDA cho biết, để thi công gói thầu này, công nghệ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, bùn sẽ được xử lý theo phương pháp hoạt tính truyền thống loại AO (quá trình nitrat hóa và khử nitrat) đạt tiêu chuẩn quốc tế thường áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải lớn.
Về phần xây lắp sẽ được thực hiện theo phương pháp khoan kích ngầm (pipe jacking). Đơn vị thi công sẽ xây dựng đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6 -19m. Phương pháp này sẽ đảm bảo vấn đề môi trường, tài sản nhà cửa, giao thông trên mặt đất, bảo đảm giữ được cảnh quan và quan trọng nhất là không phải giải phóng mặt bằng, tốn kém về nguồn lực.
Hồi sinh dòng sông chết
Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, trên con sông Tô Lịch - dài gần 14 km, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống với gần 300 ống cống cùng nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp và rác thải ven sông. Trước tình trạng này, cuối những năm 1990, sông Tô Lịch đã bắt đầu được nạo vét đáy, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Tiếp đó, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp cấp bách như dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch, sử dụng chế phẩm Redoxy3C để xử lý ô nhiễm, hay thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano -Bioreactor nhưng chưa tìm được phương án tối ưu.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874 ha, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày -đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,6 km, đường kính từ 315 - 2.200 mm. Dự án này được thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và 1 phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.
GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm ở sông Tô Lịch phải làm từ gốc, chính là khâu thu gom nước thải, không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ. Việc xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Đây là phương án căn cơ, giải quyết được phần gốc của ô nhiễm.
GS.TS Trần Hồng Côn, ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho “dòng sông chết” ở Thủ đô. Việc có đường ống gom nước thải riêng của sông Tô Lịch khiến cho dòng sông không bị tác động thêm của nguồn ô nhiễm. Tuy vậy cũng cần lưu ý, khi đường ống gom nước thải ra sông Tô Lịch đi vào hoạt động thì lượng nước bổ cập cho sông Tô Lịch sẽ bị hạn chế đi. Từ đó, không tạo ra dòng chảy, làm giảm khả năng đào thải của con sông.
Hà Nội cũng cần phải tính toán lượng nước sau xử lý sẽ phải bổ cập lại cho sông Tô Lịch như thế nào. Cần phải làm sao lượng nước bổ cập phải tương đương với lượng nước lấy đi. Nếu không có nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì vấn đề ô nhiễm sẽ vẫn chưa thể khắc phục. Với lượng nước thải xử lý khổng lồ mỗi ngày, nên nghiên cứu nước sạch sau xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.