Trả lại vị trí “đắc địa”
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3952 (ngày 8/8/2023) về việc ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1).
Theo quyết định, 9 cơ sở nhà, đất thuộc các quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa, Bắc Từ Liêm) do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục.
9 cơ sở nhà, đất phải di dời gồm: Công ty in báo Nhân dân Hà Nội, Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội Mới (quận Hoàn Kiếm); Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (quận Ba Đình); Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH MTV in và thương mại Thông tấn xã Việt Nam (quận Thanh Xuân); Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Tổng kho xăng dầu Đức Giang (quận Long Biên); Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (quận Đống Đa) và Viện Hóa học công nghệ Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm).
Văn bản nêu rõ, đối với nhà, đất thuộc danh mục phải di dời nêu trên, nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.
Đồng thời các đơn vị trên đề xuất UBND TP Hà Nội xin ý kiến HĐND thành phố xem xét có ý kiến để bổ sung danh mục đảm bảo tiến độ kế hoạch di dời được thành phố phê duyệt.
Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời.
Đối với nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT phối hợp cùng các cơ quan thuộc bộ ngành rà soát lập danh mục theo quy định.
Một góc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long. |
Xây trường học ở “điểm nóng”
Đáng chú ý, trong số 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp quản lý, sử dụng phải di dời có một số cơ sở có diện tích rất lớn, nằm ở vị trí đắc địa. Đơn cử như Nhà máy bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội có địa chỉ tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Hiện khu đất này đang là nơi hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu “đất vàng” này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, xây trường trung học phổ thông, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh.
Tương tự, Công ty TNHH MTV thuốc lá Thăng Long tọa lạc tại 235 Nguyễn Trãi cũng thuộc trường hợp phải di dời. Theo quy hoạch, khu đất này nằm trong khu vực quy hoạch với định hướng các chức năng sử dụng đất như: Công cộng thành phố và khu vực, đất hỗn hợp (dịch vụ thương mại, ở), công cộng đơn vị ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.
Là địa bàn “nóng” về thiếu trường học, mới đây (ngày 9/8), Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các sở (GD&ĐT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư) về đề xuất hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Thành phố thực hiện đầu tư 4 ô đất xây dựng trường học.
Theo UBND quận Hoàng Mai, do nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tăng nhanh hàng năm (4.000 học sinh/năm), cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp thời. Vì vậy, nhu cầu xây dựng bổ sung trường lớp trên địa bàn quận Hoàng Mai trong thời gian tới là vô cùng cấp bách.
Trước thực trạng trên, UBND quận Hoàng Mai đề xuất xây dựng thêm 4 trường học. Cụ thể, xây dựng Trường Mầm non Hoàng Liệt tại ô đất C1/NT3 với quy mô 20 nhóm lớp có mức đầu tư là 135 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc gia.
Trường hoàn thành sẽ bao gồm các khối lớp học, hiệu bộ, khối phục vụ học tập cùng với các hạng mục phụ trợ (nhà vệ sinh, nhà để xe, nhà bảo vệ, sân trường, trạm biến áp, hàng rào, cổng trường...), đồng bộ trang thiết bị học tập văn phòng đảm bảo yêu cầu hoạt động của nhà trường.
Tiếp đó là xây dựng 2 trường Tiểu học Hoàng Liệt tại các ô đất C1/TH2 và F4/TH2, với đầu tư dự kiến đều hơn 300 tỷ đồng.
Quy mô các trường Tiểu học Hoàng Liệt với các khối nhà đáp ứng khoảng 30 phòng học, các phòng học chức năng, thể chất và các phòng quản trị đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đồng bộ bao gồm: Sân, cổng, tường rào, bồn hoa, trạm biến áp, hệ thống PCCC... cung cấp và lắp đặt thiết bị đồng bộ.
Một góc Tổng kho xăng dầu Đức Giang (quận Long Biên) nhìn từ trên cao. |
Quận Hoàng Mai đề xuất, xây dựng Trường THPT Hoàng Liệt tại ô đất C1/TH3 dự án có mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng, với quy mô 5 tầng, mật độ xây dựng 45% gồm các khối nhà học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng, các phòng chức năng khác, tầng hầm để xe... Bên cạnh đó là các hạng mục phụ trợ và hạng mục cải tạo vỉa hè, chỉnh trang cây xanh đồng bộ xung quanh ô đất, cung cấp trang thiết bị trường học đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định.
Theo đề xuất, cả 4 dự án xây dựng trường học trên đều thuộc nhóm B, nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ. Lý giải về nguồn vốn, UBND quận Hoàng Mai cho rằng, quận đang thực hiện 7 dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố từ nguồn ngân sách quận với số vốn hơn là 1.615.665 triệu đồng. Vì vậy, quận Hoàng Mai không đủ khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng các ô trường học theo chỉ đạo của thành phố.
Trước đó (chiều 11/7/2023) Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trần Sỹ Thanh chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Ông Trần Sỹ Thanh cho rằng quận Hoàng Mai cần có nghị quyết chuyên đề mới về vấn đề cơ sở vật chất giáo dục - đây được cho là vấn đề cốt yếu của quận Hoàng Mai. Trong đó, rà soát, đánh giá lại nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển để phân công triển khai nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục quận.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.