Thế nhưng, một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học đang vướng các khâu giải tỏa đền bù; quỹ đất dành cho giáo dục không được triển khai xây dựng hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Tăng số lượng, giảm chất lượng
Dù số lượng học sinh được học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học của quận Liên Chiểu tăng lên qua từng năm học, nhưng theo ông Lê Văn Nghĩa - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng thì chất lượng giáo dục toàn diện lại không đảm bảo.
“Các trường tiểu học trên địa bàn quận, ngoài tăng sĩ số học sinh/lớp còn phải tận dụng các phòng chức năng, bộ môn, thậm chí ngăn cả sảnh chơi của học sinh để làm phòng học. Điều này đi ngược lại với mục tiêu giáo dục toàn diện của Chương trình GDPT 2018, học sinh khó có điều kiện để phát triển các kỹ năng cũng như các môn năng khiếu” - ông Nghĩa nhận xét.
Theo Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu, năm học 2023 - 2024, các trường trên địa bàn quận tiếp tục thiếu phòng học; phải tiến hành cải tạo các phòng chức năng, ngăn sảnh để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh như: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường Tiểu học Âu Cơ, Trường THCS Ngô Thì Nhậm, Trường Tiểu học Duy Tân, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Như Trường Tiểu học Duy Tân sẽ phải có 3 phòng học cơi nới bằng cách ngăn sảnh học thể dục để làm phòng học. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng sẽ có 3 phòng học từ tận dụng sảnh thể dục.
Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, mục tiêu ban đầu của đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021 - 2025” là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục khó thực hiện. Nguyên nhân do quỹ đất công rất hạn chế. Một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học đang vướng các khâu giải tỏa đền bù; quỹ đất dành cho giáo dục không được triển khai xây dựng hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Kết quả giám sát của Ban văn hóa - xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho thấy, các dự án như FPT, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu đô thị Nam Việt Á, khu đô thị Golden Hills, Khu đô thị Phước Lý, Khu đô thị thương mại và cao tầng Phương Trang, Khu đô thị Lakeside… đều có quy hoạch đất xây dựng trường học.
Thế nhưng, theo như ông Trương Minh Hải - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cho biết, ngoài Trường THCS Đàm Quang Trung do dự án Trung Nam đầu tư tại Liên Chiểu thì chưa có một trường học nào được xây dựng tại các dự án này. Tuy nhiên, Trường THCS Đàm Quang Trung được xây dựng mới trên đất của trường cũ. Dự án FPT tuy đã xây dựng trường nhưng không phải là trường công nên giải quyết chỗ học cho con em trong khu vực không đáng kể.
Theo quy hoạch, cả khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có 20 công trình trường học chưa bố trí xây dựng, trong đó 11 vị trí do nhà nước đầu tư và 9 công trình do chủ dự án đầu tư. Khu đô thị gần phủ kín dân nhưng trường học vẫn còn trắng, dẫn đến căng thẳng về trường lớp. Quận Cẩm Lệ có 16 vị trí quỹ đất dành cho xây dựng trường học nhưng cũng chưa có công trình nào đưa vào xây dựng.
Học sinh các trường mầm non trên địa bàn tham gia chương trình Lớp học cầu nối tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). |
Đất giáo dục phải dành cho giáo dục
Ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Liên Chiểu là địa phương thiếu nhiều phòng học nhất của TP Đà Nẵng. Sở đã phối hợp với UBND quận trong việc tìm giải pháp mở rộng trường, lớp. Hiện, quận Liên Chiểu có 5 lô đất nằm trong quy hoạch trường lớp nhưng chủ dự án không đầu tư. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp mạnh để ràng buộc trách nhiệm của các chủ dự án”.
Quận Hải Châu cũng có một vị trí đất trong quy hoạch để xây dựng trường công lập. Nhưng sau khi rà soát lại thì vị trí đất này chuyển sang xây dựng trường ngoài công lập phù hợp hơn. Thế nhưng, vị trí đất này đang được cho thuê làm bãi giữ xe. Hiện có một số chủ dự án như Nam Việt Á xin chuyển đổi mục đích sử dụng với quỹ đất dành cho giáo dục. Một số dự án ở Liên Chiểu, quỹ đất dành cho giáo dục đã chuyển sang cho các nhà đầu tư khác.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cách đây 8 năm, số học sinh đầu cấp của Đà Nẵng chỉ khoảng 15 nghìn học sinh thì nay, mỗi năm đều tăng 22 nghìn em ở mỗi cấp học. Nếu không xây thêm trường học thì đến năm 2026 - 2027, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Đà Nẵng sẽ căng thẳng không kém gì Hà Nội hiện nay.
Đối với các công trình trường học đã xuống cấp nghiêm trọng như: Trường Trung học Phổ thông Phan Thành Tài, Trường Tiểu học Lâm Quang Thự (huyện Hòa Vang); Trường Tiểu học Hồng Quang, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu); Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (quận Cẩm Lệ)… đã được thành phố bố trí vốn và đang triển khai các bước theo quy định.
Đây là kết quả khả quan nhưng vẫn thấp so với nhu cầu bức thiết của ngành Giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của ngành về cơ sở vật chất phục vụ các chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi, phòng học ngày 2 buổi bậc tiểu học, phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dành cho ngành Giáo dục, đến tháng 4/2023, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 70 công trình trường học với tổng mức đầu tư 1.780 tỷ đồng; có 32 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 22 công trình đang triển khai, 33 công trình đã thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu.