Theo đó, thực hiện chương trình hoạt động giáo dục hướng nghiệp, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường THCS, THPT nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ chương trình và tài liệu hướng dẫn hoạt động giáo dục hướng nghiệp được ban hành theo Quyết định số 16/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, có chú ý bổ sung những đặc thù của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục hướng nghiệp. Các đơn vị cần chủ động đề xuất với lãnh đạo Đảng và Chính quyền địa phương huy động các lực lượng kinh tế, xã hội ở địa phương tham gia vào quá trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Triển khai nghiêm túc việc giảng dạy giáo dục hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12, theo chương trình của Bộ GD&ĐT (01 tiết/tháng, mỗi tháng 01 chủ đề, chủ đề của tháng nào phải được dạy ở tháng đó).
Về phương pháp tổ chức thực hiện, có thể tổ chức riêng theo từng lớp, theo khối lớp hoặc liên lớp; giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên có kinh nghiệm hoặc mời chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp giảng dạy.
Về tổ chức dạy nghề phổ thông, Sở GD&ĐT lưu ý, việc chọn nghề để học phải phù hợp với nguyện vọng của học sinh, vừa phải tương ứng với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường và trung tâm, đồng thời thích hợp với nhu cầu, đặc điểm cơ cấu kinh tế địa phương.
Việc bố trí dạy nghề cần có sự phối hợp giữa trường THCS, THPT và TT GDNN-GDTX để huy động và phân công thích hợp giáo viên giảng dạy.
Sở GD&ĐT giao cho các Trung tâm GDNN-GDTX là đơn vị chủ trì phối hợp với các trường THCS, THPT và phòng GD&ĐT trong việc lập kế hoạch và tổ chức dạy nghề phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã.
Các Trung tâm GDNN-GDTX có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên chuyên môn theo yêu cầu chương trình nghề phổ thông thì mới được tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh.
Trong trường hợp các đơn vị trường học chưa có đủ giáo viên dạy nghề và không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để dạy nghề thì không được tổ chức dạy nghề phổ thông.