Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù xây trường chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố như cho phép tính diện tích sàn sử dụng thay thế cho diện tích đất, cho phép nâng tầng các khối xây dựng.

Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù xây trường chuẩn quốc gia
Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù xây trường chuẩn quốc gia

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục

Ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Một trong số những kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT Thủ đô trong năm học 2021-2022 là việc đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố có 2.835 trường học với 70.199 lớp và hơn 2,2 triệu học sinh cùng 138.090 giáo viên, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.

Toàn ngành cũng đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Lần đầu tiên, Lễ khai giảng chung toàn Thành phố đã được tổ chức và phát trực tiếp trên sóng truyền hình.

Thành phố đã rà soát, trợ cấp, hỗ trợ, tặng quà 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị với giá trị ước tính trên 30 tỷ đồng giúp các em học sinh có điều kiện học trực tuyến.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành 8 Nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT.

Năm học 2021-2022, trên địa bàn Thành phố có 51 trường được xây mới, thành lập mới với tổng mức đầu tư khoảng 2.885 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí gần 5.008 tỷ đồng; bố trí 1.464 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách của Thành phố và các quận, huyện, thị xã) để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 64,3%, trong đó trường công lập là 79%. Thành phố cũng đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác GD&ĐT có nhiều tiến bộ. Vừa qua, Sở đã khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.

Hệ thống tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 hoạt động hiệu quả, được nhân dân ủng hộ. Học sinh Hà Nội đã đạt 125 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 63 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế.

Trường chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Trường chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù

Để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra một số giải pháp. Cụ thể: Thực hiện công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.

Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ lĩnh vực GD&ĐT cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII thành phố Hà Nội cùng các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành ủy, HĐND, UBND TP và thích ứng với thời kỳ bình thường mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT phù hợp tình hình thực tiễn…

Cùng đó thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà; phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 (công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia).

Sắp xếp lại hệ thống các trường học, phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn phù hợp; triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường…

Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, ban hành quy định về việc ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng đối với nhân viên làm công tác chuyên môn trong trường học (kế toán, y tế, thư viện, thiết bị, văn thư, tư vấn tâm lý học đường).

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia như: Cho phép tính diện tích sàn sử dụng/ học sinh thay thế cho diện tích đất/ học sinh. Cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao.

Ông Trần Thế Cương cho biết thêm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên cấp huyện sau gần 7 năm sáp nhập nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế tổ chức hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, Sở đề nghị Bộ sớm ban hành Thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động đối với Trung tâm. Cùng với đó, Sở đề xuất Bộ sớm xây dựng biểu cơ cấu tỉ lệ giáo viên môn học của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để thống nhất trên toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ