Sự chậm trễ khó hiểu
Việc Hà Nội chậm trễ trong việc xét tuyển đặc biệt đối với các GVHĐ đã gây khó hiểu cho dư luận từ nhiều tháng nay. Phải chăng việc Hà Nội đưa ra thông tin xét tuyển đặc cách rồi nay lại thông báo không ai đủ điều kiện xét tuyển chỉ là cách để kéo dài thời gian, tránh phản ứng của dư luận?
Tại Hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thường trực TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thông báo kết luận, các quận, huyện, thị xã đã rà soát và khẳng định không có GV đủ tiêu chuẩn để xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.
Như vậy, gần 3.000 GVHĐ tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 - 25 năm sẽ phải trải qua kì tuyển dụng viên chức bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên nào. Điều này đi ngược lại với phát ngôn của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, khẳng định sẽ xét tuyển đặc biệt với tất cả GVHĐ trên 5 năm công tác với 3 điều kiện: Có sức khỏe, được đóng bảo hiểm xã hội và phù hợp với vị trí việc làm.
Mới đây, ngày 20/9, Sở Nội vụ Hà Nội công bố lịch tuyển viên chức giáo dục mà không có bất cứ ưu tiên nào dành cho GVHĐ. Theo kế hoạch đến tháng 1/2020, Hà Nội sẽ tuyển dụng xong gần 11.000 GV. Sẽ rất khó có cơ hội dành cho GVHĐ lâu năm vì rõ ràng đây là cuộc thi không cân sức giữa các GV lâu năm và GV mới ra trường.
Thêm vào đó, hầu hết các GVHĐ, nhiều người công tác trong ngành lên đến 25 năm đều bị đơn phương chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/8; nhiều người đã chấp nhận từ bỏ nghề sau những chờ đợi vô vọng và không thể kiên nhẫn với mức thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc yêu cầu thi tuyển đối với gần 3.000 GVHĐ của Hà Nội là không phù hợp và cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Khi đã làm việc trên 5 năm thì phải được tiếp tục kí hợp đồng lao động dài hạn. Vấn đề là do chính quyền các cấp xử lí không linh hoạt, rồi lại không báo cáo và để kéo dài trong rất nhiều năm.
Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Cần phải thực hiện các giải pháp để tháo gỡ bất cập, đem lại sự công bằng, đáp ứng sự mong đợi chính đáng của các GVHĐ đã công tác lâu năm ở Hà Nội trước nguy cơ mất việc. Phải đặt quyền lợi của GV lên trên khi họ đã tận tâm với nghề, phải đặt mình trong trường hợp của họ để tháo gỡ những vấn đề trong xét tuyển và xét đặc cách cho họ.
“Có người sắp về hưu, có những trường hợp công tác 20 - 25 năm trong ngành mà vẫn đáp ứng tiêu chí trong ngành, đáp ứng vị trí việc làm thì không có lí do gì không vận dụng Nghị quyết 29 của Chính phủ về xét tuyển đặc biệt. Đây là điều TP Hà Nội phải xem lại” - bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Có thể xét tuyển đặc biệt không theo Nghị định 161
Theo quy định của Nghị định 161/2018/ NĐ-CP: Trường hợp được xét tuyển đặc biệt là người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Trong số gần 3.000 trường hợp GVHĐ lâu năm của Hà Nội có nguy cơ mất việc trước kì thi tuyển viên chức năm nay, tất cả đều công tác tại các trường công lập không tự chủ tài chính. Bởi vậy, việc xét tuyển đặc biệt đối với các GVHĐ là không thể áp dụng theo Nghị định 161.
Theo nhiều GV, việc áp dụng xét tuyển theo Nghị định 161 là không hợp lí vì thời gian công tác của họ phần lớn được áp dụng theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP được ban hành trước đó. Theo Nghị định 29, GVHĐ được xét đặc cách vào biên chế, nhưng Nghị định 161 sửa đổi Nghị định 29 quy định không được xét đặc cách.
Lý giải về vấn đề này, ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Nghị định 161 căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp đơn vị sự nghiệp. Vừa qua đã nảy sinh một số vướng mắc liên quan đến những trường hợp ký hợp đồng lao động trong đó có GV.
Do đó, Bộ Chính trị có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, cho chủ trương đối với các trường hợp GVHĐ theo đúng quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp trước ngày 31/12/2015 cho phép thực hiện thí điểm tuyển dụng đặc cách.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giải thích thêm: Trước tình hình biên chế, ký hợp đồng chuyên môn chưa đúng quy định pháp luật ở các đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cơ quan hành chính đặc biệt đối với GV, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đã báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có Văn bản 9028, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo vấn đề này.
Tinh thần chung, những người đang làm hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đang làm hợp đồng, đã ký hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được xem xét xét tuyển đặc biệt.