Giáo viên hợp đồng Hà Nội: Có lách qua được “khe cửa hẹp”?

GD&TĐ - Dù lãnh đạo thành phố từng nhiều lần khẳng định sẽ có chính sách tuyển dụng nhân văn đối với các giáo viên hợp đồng công tác lâu năm, nhưng đối chiếu theo các văn bản pháp luật thì không có “phép màu” nào sẽ giúp họ vượt qua “khe cửa hẹp”.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuyển dụng đặc biệt phải đúng quy định

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng: Những năm qua, có những nơi sử dụng số lượng lớn giáo viên HĐLĐ trong nhiều năm. Xét ở góc độ nghề nghiệp, đó là GV rất yêu nghề, nhiều cống hiến. Song hiện nay thực hiện tuyển dụng, dù với hình thức đặc cách, xét tuyển hay thi tuyển thì đều phải đảm bảo đúng quy định.

Theo Quyết định 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND TP Hà Nội “về phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục MN, TH, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã TP Hà Nội năm 2019”, chỉ tiêu tuyển dụng năm nay là 10.949 giáo viên, 233 nhân viên để bổ sung lượng giáo viên thiếu hụt do nghỉ hưu, tăng trường lớp, học sinh.

Đồng thời, áp dụng hình thức thi tuyển theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018. Vòng 1 thi trắc nghiệm trên máy tính 2 môn kiến thức chung, ngoại ngữ; vòng 2 thi viết chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên, sau khi Sở Nội vụ hướng dẫn quận, huyện, thị xã thu phiếu đăng ký tuyển dụng, có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh hình thức từ thi tuyển sang xét tuyển và được miễn thi ngoại ngữ, kiến thức chung. Một số giáo viên hợp đồng lâu năm còn đề nghị được xét tuyển đặc cách, không qua thi.

Sở Nội vụ Hà Nội đã tổng hợp ý kiến, báo cáo tập thể UBND TP xin ý kiến Bộ Nội vụ, trên cơ sở trả lời của Bộ, Sở đã trình UBND TP ban hành Quyết định 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 về sửa đổi một số nội dung ban hành kèm theo kế hoạch thực hiện Quyết định 1076/QĐ-UBND.

Trong quyết định mới này, UBND TP giao UBND quận, huyện, thị xã thống kê số giáo viên đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét tuyển dụng đặc biệt vào viên chức với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức là có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm, trình độ đại học trở lên, phù hợp yêu cầu của vị trí cần tuyển, có đóng BHXH bắt buộc, gồm: Người ký HĐLĐ theo đúng quy định làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư, ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang; người làm công tác cơ yếu.

Khi các quận, huyện, thị xã rà soát xong số giáo viên hợp đồng và thực hiện xét tuyển đặc biệt, với số chỉ tiêu còn lại, UBND quận, huyện, thị xã sẽ lựa chọn hình thức tuyển dụng bằng thi tuyển hoặc xét tuyển quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, nhằm nâng cao chất lượng giáo viên được tuyển, tuyển được giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy.

Có bất công với giáo viên hợp đồng?

Thời gian qua, hơn 2.000 GVHĐ tại Hà Nội luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng trước tương lai của mình. Nhiều thầy cô đã bị chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/5, đúng ngày chia tay học sinh kết thúc năm học. Nhiều người đã chuẩn bị cho tương lai của mình bằng cách chuyển nghề, hoặc nuôi hi vọng bằng cách nộp hồ sơ thi tuyển mặc dù khả năng đỗ viên chức là rất nhỏ.

Cô Nguyễn Bích Thủy - GVHĐ ở Ba Vì tâm sự: Ngày 15/8, giáo viên trong trường sẽ tập trung để chuẩn bị cho năm học mới, kèm đó là yêu cầu chuẩn bị kế hoạch chuyên môn. Tuy nhiên, hợp đồng của tôi sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Như vậy kế hoạch chuyên môn sẽ chỉ được viết để phục vụ cho học sinh học trong 15 ngày hè.

“Từng giảng dạy ở trường gần 20 năm, nay phải chia xa sẽ không tránh khỏi hụt hẫng. Cùng với các thầy cô khác trên toàn thành phố, GVHĐ Ba Vì mong muốn sẽ có một chính sách nhân văn cho chúng tôi, như lời hứa của chủ tịch Nguyễn Đức Chung ngày 9/7 tại Hội đồng nhân dân TP Hà Nội”.

Còn thầy Nguyễn Viết Tiến - GVHĐ TX Sơn Tây nêu quan điểm: Đúng là mọi việc cần phải thực hiện đúng hiến pháp và pháp luật. Nhưng ở đây chúng ta thấy đang có sự bất công hay nói cách khác là không phù hợp với thực tế đối với các thầy cô đang là GVHĐ ở các quận huyện Hà Nội và thầy cô trong cả nước nói chung.

Điều tôi muốn nói là Nghị định 161 có hiệu lực vào đầu năm 2019, rất phù hợp với thực tế hiện nay và phù hợp với Luật Giáo dục mới ban hành đầu tháng 7/2019. Nhưng Nghị định 161 sẽ không phù hợp và bất công với các thầy cô GVHĐ của những thập kỷ trước hay những GVHĐ trước năm 2019.

Luật Giáo dục trước kia yêu cầu bằng TCSP đối với GV mầm non, GV tiểu học; bằng CĐSP đối với GV THCS. Vì vậy rất nhiều GVHĐ không đủ tiêu chuẩn để xét đặc cách. Cùng với đó, các trường công lập hiện nay không có trường nào là ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên. Điều này khiến cho tất cả các GVHĐ tại Hà Nội cũng như cả nước sẽ không được xét tuyển đặc cách theo Nghị định 161.

Thiệt thòi nhất có lẽ là các GVHĐ tại huyện Mỹ Đức. Hơn 300 GVHĐ tại huyện Mỹ Đức dù có người công tác đến hơn 20 năm nhưng không một ai có đủ điều kiện xét tuyển viên chức giáo dục vì không được huyện và nhà trường đóng bảo hiểm xã hội.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo TP sẽ đưa ra chính sách nhân văn nhất đối với GVHĐ lâu năm, những người đã gắn bó gần như trọn đời với ngành GD. Tôi thiết nghĩ chúng ta nên vận dụng nghị định nào có lợi với thầy cô, có thể là Nghị định 29 năm 2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức vì quãng thời gian các thầy cô công tác đều nằm trong hiệu lực của văn bản này” - thầy Tiến nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.