Hà Nội: Không có xáo trộn trong tuyển sinh vào lớp 10

GD&TĐ - Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2021-2022 cơ bản giữ ổn định như các năm học trước dù có điều chỉnh về mặt kỹ thuật ở một vài nội dung.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để học sinh nắm bắt cụ thể hơn về các điều chỉnh này nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi, chiều 21/2, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội.

Thêm nhiều cơ hội trúng tuyển

-Với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, học sinh cần lưu ý những gì, thưa ông?

- Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập. Kỳ thi có 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư.

Bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Với bài thi môn Ngoại ngữ, học sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Học sinh có thể đăng ký thi  ngoại ngữ khác với thứ tiếng đang học tại trường trung học cơ sở.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, xét thấy các nhà trường và học sinh vẫn có thể duy trì việc dạy học, ôn tập đúng tiến độ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất giữ nguyên phương thức thi tuyển, tổ chức kỳ thi với 4 môn thi. Trong đó, môn thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3/2021. Việc tổ chức thi tuyển 4 môn nhằm đảm bảo học sinh được giáo dục toàn diện, có chất lượng.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình huống, diễn biến thực tế của dịch bệnh, Sở GD&ĐT sẽ chuẩn bị sẵn sàng các phương án trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh.

Một điểm điều chỉnh về mặt kỹ thuật của kế hoạch tuyển sinh lần này là mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự 1,  2 và 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.

- Xin ông chia sẻ rõ hơn về việc điều chỉnh tăng nguyện vọng cho học sinh?

- Nếu như ở các kỳ tuyển sinh trước, mỗi học sinh chỉ được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, thì năm học 2021-2022, UBND thành phố Hà Nội đã điều chỉnh số lượng nguyện vọng, nhằm tạo điều kiện để học sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển.

Cụ thể là, mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự  từ 1 đến 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 cao hơn 1,0 điểm so với nguyện vọng 1, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 3 cao hơn 2,0 điểm so với nguyện vọng 1).

Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì nguyện vọng đó có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường).

Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì cả 2 có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1,0 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Khi hạ điểm chuẩn, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ có hướng dẫn chi tiết 

-Việc học sinh phải đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú cần được hiểu đầy đủ thế nào, thưa ông?

- Quy định học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường học của Thành phố, giảm bớt áp lực; Đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước là không nhiều.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em, đồng thời không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, di chuyển.

- Về khu vực tuyển sinh năm nay có gì thay đổi không, thưa ông?

- Hiện nay, có một số phụ huynh hiểu nhầm giữa việc đổi nguyện vọng dự tuyển với việc đổi khu vực tuyển sinh.

Năm học 2021-2022, đối với các trường THPT công lập, thành phố Hà Nội vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh như các năm học trước. Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh).

Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế. 

12 khu vực tuyển sinh (KVTS):

- KVTS 1: Quận Ba Đình, Tây Hồ.

- KVTS 2: Quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

- KVTS 3: Quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

- KVTS 4: Quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

- KVTS 5: Quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

- KVTS 6: Huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

- KVTS 7: Quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, Đan Phượng.

- KVTS 8: Huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

- KVTS 9: Huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

- KVTS 10: Quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai.

- KVTS 11: Huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

- KVTS 12: Huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.

- Một số phụ huynh suy nghĩ con mình sẽ không có cơ hội được học trong các trường tốp đầu nếu đăng ký theo hộ khẩu thường trú ở nơi không có những trường này. Nhận định của ông về điều này?

- Thực tế, nếu có học lực tốt, học sinh còn rất nhiều lựa chọn khác, không hạn chế về khu vực tuyển sinh như đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên, trường THPT có lớp chuyên thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội (gồm Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây); hoặc các trường THPT công lập tự chủ tài chính; trường THPT chất lượng cao; trường THPT ngoài công lập... Ngoài ra, học sinh còn có thể đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT thuộc các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn Thành phố. 

Việc tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú cũng nhằm phân bổ đều chất lượng học sinh, tạo sự đồng đều trong chất lượng giáo dục toàn diện, tránh sự lãng phí về cơ sở vật chất của các nhà trường.

-Ông có lời khuyên gì dành cho học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022?

- Sở GD&ĐT Hà Nội quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Có một số điểm các em cần lưu ý là:

Trong quá trình học và ôn tập cần bám sát nội dung theo chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, các hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/08/2020 và của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 03/9/2020.

Năm học 2021-2022, học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký dự tuyển, học sinh cần lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân.

Các em cần chú ý đảm bảo giữ gìn sức khỏe, nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng học hằng ngày; thực hiện học trực tuyến cũng cần nghiêm túc như học trực tiếp, lập kế hoạch học và ôn tập một cách chi tiết, khoa học để đạt kết quả cao nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.