Hà Nội: Khởi tố gần 4.200 vụ và hơn 6.200 bị can trong 6 tháng đầu năm

GD&TĐ - Về tội phạm, Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 4.197 vụ, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 767 vụ (15,4%), 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021...

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường phát biểu.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường phát biểu.

Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội - Đào Thịnh Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản ổn định. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo đó, về tội phạm, Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 4.197 vụ, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 767 vụ (15,4%), 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021. Đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia: Phát hiện và khởi tố 2 vụ/2 bị can (giảm 2 vụ/1 bị can so với cùng kỳ năm 2021) về các tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội Tuyên truyền nhằm chống Nhà nước.

Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho thấy, về tội phạm về ma tuý đã khởi tố 1.529 vụ/2.035 bị can (giảm 314 vụ/223 bị can so với cùng kỳ năm 2021), chủ yếu về các tội Tàng trữ trái phép, Mua bán trái phép, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn mặc dù giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tính chất và mức độ ngày càng nguy hiểm với thủ đoạn che giấu tinh vi. Điển hình như vụ Trần Huy Thành cùng đồng phạm vận chuyển trái phép hơn 7kg ma túy; vụ Đoàn Văn Tùng cùng đồng phạm chứa chấp, tổ chức cho 28 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke...

Tội phạm về tham nhũng và chức vụ: Khởi tố 13 vụ/24 bị can (tăng 6 vụ/14 bị can), khởi tố chủ yếu về các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (4 vụ/15 bị can); tội Tham ô tài sản (2 vụ/01 bị can); tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (2 vụ/1 bị can); Tội phạm về kinh tế và môi trường: Khởi tổ 121 vụ/173 bị can (tăng 2 vụ, giảm 43 bị can so với cùng kỳ), trong đó có 32 vụ Vi phạm quy định về bảo vệ động vật quý hiếm; 39 vụ sản xuất, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả; 11 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;...

Tội phạm xâm phạm sở hữu: Khởi tố 1.494 vụ/1.268 bị can (giảm 288 vụ/50 vụ so với cùng kỳ), trong đó Trộm cắp tài sản 864 vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sàn 332 vụ, Cướp giật tài sản 85 vụ, Cướp tài sản 58 vụ; Tội phạm về trật tự xã hội: Khởi tố 1.037 vụ/2.777 bị can (giảm 170 vụ/177 bị can so với cùng kỳ 2021), trong đó Giết người 47 vụ; cố ý gây thưong tích 236 vụ; Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Gá bạc 288 vụ; Chống người thi hành công vụ 26 vụ; Gây rối trật tự công cộng 36 vụ; Riêng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em giảm, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp, đã khởi tố 46 vụ (giảm 17 vụ so với cùng kỳ 2021).

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên tiềm ẩn gia tăng ở nhóm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Bên cạnh đó những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống xã hội và kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến các tội phạm liên quan đến trị an, sở hữu, tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại diễn biến đa dạng, phức tạp. Đáng lưu ý số vụ án hình sự khởi tố mới ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh tăng đột biến như huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Hà Đông, Đông Anh.

Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý; duy trì hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo công tác liên ngành; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biển pháp luật đến người dân để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giảm thiểu các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ