Hà Nội: Hàng loạt giáo viên ở Sóc Sơn nhận thông báo chấm dứt hợp đồng

Bất chấp sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng (GVHĐ), những ngày qua hàng loạt GVHĐ ở Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020.

Những ngày qua hàng loạt GVHĐ ở Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020. Ảnh: HH
Những ngày qua hàng loạt GVHĐ ở Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020. Ảnh: HH

Cảm giác... hụt hẫng, thất vọng

Ngày 7/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Ngày 6/11, ông đã ký văn bản, và ngày 7/11 phát hành đến các địa phương, trong đó có Hà Nội, đề nghị thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 9028.

Theo kết luận này, các giáo viên nằm trong chỉ tiêu biên chế từ 2015, ký hợp đồng trước 31/12/2015 và có đóng bảo hiểm sẽ được tuyển dụng đặc cách.

“Các giáo viên nếu đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện thì tuyển dụng, coi như nằm trong biên chế 2015, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. Đề nghị Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước Quốc hội, hàng loạt GVHĐ ở Sóc Sơn, vẫn phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020.

Cô Nguyễn Thị Ngân - giáo viên Trường THCS Tân Hưng cho biết: Tôi nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lúc 5 giờ chiều ngày 7/11, sau cuộc họp hội đồng sư phạm toàn trường. Tháng 4/2020 tôi sẽ nghỉ hưu nên không tham gia kỳ thi viên chức giáo dục năm 2019 do UBND huyện tổ chức. Đó cũng là lý do huyện đưa ra để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với tôi.

Trong số các GVHĐ nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn. Ảnh: HH

Đến nay, tôi đã cống hiến trong ngành Giáo dục 21 năm, năm nào cũng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), theo như Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn trước Quốc hội, tôi thuộc diện được xét tuyển đặc cách. Khi nghe Bộ trưởng trả lời vào sáng 7/11, tôi sắp về hưu cũng cảm thấy được an ủi, còn mừng cho các GVHĐ khác.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, buổi chiều tôi nhận luôn thông báo bị chấm dứt hợp đồng. Tôi thực sự thấy buồn lắm, rất tủi thân. Người toát mồ hôi, chân bước đi về không vững - cô Ngân ngậm ngùi.

Cô tâm sự thêm: Trường có 10 GVHĐ thì đến nay đã có 2 người đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Tôi sắp về hưu rồi, dù thế nào cũng đỡ khổ hơn, nhưng mong muốn các GVHĐ khác sẽ nhận được xét tuyển đặc cách theo đúng chỉ đạo của cấp trên...

Ở huyện Sóc Sơn, cô Ngân không phải là trường hợp duy nhất nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhiều GVHĐ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Một GVHĐ khác cũng nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020 với lý do không vượt qua vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức năm 2019 do UBND huyện Sóc Sơn vừa tổ chức tâm sự: Đến nay, tôi đã công tác trong ngành Giáo dục 9 năm. Năm nào cũng được đóng BHXH đều đặn. Khi nhận được thông báo này tôi thấy rất hụt hẫng, thất vọng. Không hiểu tại sao UBND huyện Sóc Sơn lại vội vã ra thông báo chấm dứt hợp đồng với chúng tôi bất chấp chỉ đạo của cấp trên.

Hà Nội: Hàng loạt giáo viên ở Sóc Sơn nhận thông báo chấm dứt hợp đồng ảnh 2
Nhiều cô đã có hơn 20 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, tóc đã điểm bạc giờ đang đứng trước nguy cơ mất việc. Ảnh: HH

Trong 9 năm công tác, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng thi giáo viên tài năng, duyên dáng của huyện, được huyện Sóc Sơn công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được chiến sĩ thi đua cơ sở... nhưng bây giờ tôi lại bị cắt hợp đồng.

Kể về cuộc sống hiện tại, giáo viên này cho biết: “Bị cắt hợp đồng, cuộc sống của tôi sẽ rất khó khăn, với đồng lương hiện tại, tôi một mình nuôi con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, lại phải đi thuê nhà... Đến giờ phút này, tôi vẫn mong mong sẽ được chính quyền xem xét lại, nhưng vì đã bị thất hứa nhiều lần nên tôi không dám đặt niềm tin quá nhiều...”.

Cần sớm trả lời thỏa đáng

Đại diện 1 GVHĐ khác ở Sóc Sơn cũng cho biết thêm, trong các ngày từ 5-7/11 nhiều trường đã thông báo cho giáo viên lên nhận thông báo chấm dứt hợp đồng.

Điều khó hiểu là sáng 7/11 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời rõ ràng trước Quốc hội như vậy, nhưng ngay buổi chiều nhiều giáo viên vẫn nhận được tờ thông báo chấm dứt hợp đồng. Tại sao huyện Sóc Sơn lại cố cùng đẩy GVHĐ tới bước đường cùng? 

Chưa hết, trong ngày 9/11 (nhiều trường THCS vẫn học thứ 7), các GVHĐ tiếp tục được nhà trường gọi lên để nhận thông báo. Nhiều GVHĐ khác cho hay, họ cũng đã nhận được thông báo thứ 2 (ngày 11/11) lên lấy thông báo chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, các GVHĐ cho biết, họ sẽ không lên lấy tờ thông báo này bởi không hiểu tại sao UBND huyện Sóc Sơn ký hợp đồng với họ, nhưng khi ra thông báo chấm dứt thì huyện lại “đá bóng” trách nhiệm để các trường ký?

Hiện, huyện Sóc Sơn có 256 GVHĐ đang dạy bậc tiểu học và THCS. Người ít cũng 5 - 6 năm, người nhiều cũng 27 - 28 năm. Họ đều được bóng BHXH. Và không ít trong số đó là giáo viên giỏi cấp thành phố, là trưởng các bộ môn, là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện nhà...

Hà Nội: Hàng loạt giáo viên ở Sóc Sơn nhận thông báo chấm dứt hợp đồng ảnh 3
Kể về cuộc đời mình, những giọt nước mắt đã rơi. Ảnh: HH

Đến thời điểm này, các GVHĐ ở Sóc Sơn đã tham dự vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức 2019. UBND huyện cũng đã có báo cáo kết quả thi. Theo đó, vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, có 1.580 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng chỉ có 1.342 thí sinh đến dự thi, còn 238 thí sinh đã bỏ thi.

Đối với 256 GVHĐ trên địa bàn huyện, trong kỳ thi tuyển có 241 người đăng ký dự thi, nhưng số lượng tham gia dự thi vòng 1 chỉ ở con số 172; có 69 người đã bỏ thi.

Kết quả, số thí sinh GVHĐ trúng tuyển vòng 1 là 121 người. Trong đó, THCS là 84 người, tiểu học 37 người.

Theo kế hoạch được UBND huyên Sóc Sơn thông báo, vòng 2 (viết chuyên ngành), kỳ thi tuyển viên chức giáo dục 2019 sẽ diễn ra vào ngày 17/11/2019 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Sóc Sơn; hình thức thi viết, thời gian thi 180 phút.

Ngoài Sóc Sơn, GVHĐ của nhiều huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Mặc dù Bộ Nội vụ cho biết, có thể áp dụng Kết luận 9028 của Bộ Chính trị, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND TP Hà Nội vẫn áp dụng Nghị định 161 để thi tuyển mà không xét tuyển đặc cách cho bất cứ giáo viên nào? Câu hỏi này cần sớm được UBND TP Hà Nội trả lời thỏa đáng!

Theo thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.