Đây là nội dung được đưa ra tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (12/9).
Tại buổi giao ban, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới các cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội gồm 10 cầu qua sông Hồng và 4 cầu qua sông Đuống.
Theo dự kiến, đến năm 2021, 5 cây cầu mới là cầu Tứ Liên, cầu Đuống 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được xây mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT hoặc BOT.
Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với quy mô đầu tư điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm và đường quy hoạch dọc đê Hữu Hồng, điểm cuối tại nút giao với đường Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành năm 2021.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn đầu cầu phía Bắc sẽ tạo sự kết nối đồng bộ mạng đường giao thông từ Hồ Tây đến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và thúc đẩy nhanh việc phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận Bắc Ninh: Cầu Đuống 2 dài 0,5 km, rộng 33 m; đường nối đến địa phận Bắc Ninh dài 4,2 km và rộng 48 m. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2021. Dự án nhằm hỗ trợ giảm tải cho cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối với các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao trên tuyến.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng có Cầu dài 3 km x 20 m. Vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Dự án nhằm kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông Thành phố, giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn 2 đầu cầu với chiều dài khoảng 5.698 m, trong đó cầu Giang Biên dài hơn 2.200 m. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 30 tháng.
Thành phố cũng dự kiến xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng chiều dài cầu khoảng hơn 3.500 m; tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2.466 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho rằng, việc thực hiện các dự án này nằm trong Kế hoạch chống ùn tắc giao thông. Để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống giao thông của Thủ đô về lâu dài tới năm 2050 sẽ có nhiều hơn các cây cầu bắc qua 2 con sông này.
Đồng thời khẳng định, các cây cầu được xây dựng qua các con sông không những giúp giảm ùn tắc giao thông, mà cũng chính là động lực để thủ đô Hà Nội phát triển mạnh về kinh tế trong tương lai và phần nào đó tạo mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, hiện ngân sách Thành phố không thể đáp ứng được, đòi hỏi phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư theo hình thưc hợp tác đầu tư. Những dự án mà Thành phố kêu gọi đã được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn của Việt Nam.
Để các dự án triển khai theo đúng tiến độ, Thành phố đã giao cho các đơn vị, các quận, huyện tiến hành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Qua đó, mong muốn người dân hiểu và chia sẻ với Thành phố, giúp Thành phố triển khai tốt các dự án này.