Đầu tư 38.000 tỷ đồng xây thêm 4 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống

GD&TĐ - Hà Nội sẽ xây 4 cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, với tổng mức đầu tư ước khoảng 38.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

UBND TP. Hà Nội vừa có đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 4 cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, đồng thời kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Theo đó, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên-cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên có quy mô đầu tư cầu dài 3 km, đường 9 km với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT; dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2021.

Quỹ đất thanh toán mà Hà Nội đưa ra đối với nhà đầu tư đó là khai thác quỹ đất tại ô quy hoạch 4-5 của phân khu N9 xã Yên Thường, huyện Gia Lâm (96 ha).

Giải thích về lý do đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng, đây là công trình có vị trí đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Hồ Tây với trung tâm di tích Cổ Loa để hình thành trục không gian cảnh quan văn hoá đô thị Hồ Tây-Cổ Loa.

Ngoài các yếu tố then chốt về kỹ thuật, đối với công trình cầu qua sông Hồng còn cần phải bảo đảm các yếu tố về kiến trúc, thẩm mỹ công trình để tạo nên một biểu tượng mới và cùng với cầu Nhật Tân trở thành điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô.

Việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn đầu cầu phía bắc sẽ tạo sự kết nối đồng bộ mạng đường giao thông từ Hồ Tây đến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và thúc đẩy nhanh việc phát triển khu vực phía bắc sông Hồng, huyện Đông Anh.

Một dự án khác được Hà Nội đề xuất triển khai đó là xây cầu Đuống 2 dài 0,5 km và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 4,2 km có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT; thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, cầu Đuống hiện trạng đã xuống cấp trầm trọng. Thành phố đã phải xử lý gia cố nhiều lần nhằm bảo đảm an toàn. Việc đầu tư cầu mới song song với cầu cũ nhằm tăng cường năng lực giao thông, giảm áp lực về tải trọng cho cầu cũ (chỉ phục vụ tuyến đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn), đồng thời kết nối với trục đường 2 đầu cầu đã được cải tạo mở rộng mặt cắt theo quy hoạch, tăng cường kết nối với các tỉnh phía bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đầu tư xây dựng dự án cầu Trần Hưng Đạo dài 3 km bắc qua sông Hồng với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019.

Dự kiến, nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (34 ha); quỹ đất tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (78,4 ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, quận Long Biên (320 ha) và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước (khoảng 135 ha).

Công trình cầu này sau khi hoàn thành giúp kết nối các quận trung tâm khu vực phía đông Thành phố; giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên về cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) có chiều dài đầu tư 5,4 km đi qua các quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT; thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

Dự án nói trên được kỳ vọng giúp giảm bớt sự ách tắc giao thông khu vực phường Phúc Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên (quận Long Biên) - một khu vực đô thị mới hình thành nhằm kéo dãn dân cư đang trong khu vực đô thị lõi sang; nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng của cầu Vĩnh Tuy.

Theo Chinhphu.vn/TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ