(GD&TĐ)-Sáng nay (15/6), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo quan trọng, làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012.
Nội dung chất vấn dành cho Phó Thủ tướng tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 42 năm 2009 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước và việc giải quyết các kiến nghị có liên quan.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Trả lời chất vấn về trách nhiệm của Chính phủ với những đổ vỡ, thất thoát tại một số DNNN thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Theo qui định pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, hành pháp, quản lý toàn diện kinh tế, quốc phòng, an ninh... của đất nước theo qui định của pháp luật. Mỗi thất thoát, hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội đều liên quan đến trách nhiệm Chính phủ và các Bộ, ngành. Chính phủ nhận thức vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết. Đặc biệt, Chính phủ có 1 chương trình quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, để phát huy tốt hơn nguồn lực quan trọng này trong DNNN, tránh thất thoát, lãng phí”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình hình nợ xấu trong ngân hàng hiện nay có một phần lớn là từ các DNNN, Phó Thủ tướng cho rằng: Nợ xấu trong hệ thống NH là của tất cả DN (DN tư nhân, DNNN, hợp tác xã, nông dân…) chứ không phải chỉ riêng DNNN. Nhưng chúng tôi cũng phải công nhận rằng, nợ xấu hiện nay có một phần của tập đoàn, TCT Nhà nước, đặc biệt là một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, thất thoát thời gian qua. Theo phía Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ không phải là cao, không phải nguyên nhân chính nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là từ những tập đoàn thua lỗ này”.
Đánh giá về thực trạng của các DNNN hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng: Vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được và hiệu quả hơn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp đổi mới chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, thắt chặt tiền tệ và đầu tư để chống lạm phát, thị trường bị thu hẹp, nhiều tập đoàn và tổng công ty đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém trên đây, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty trong đó cổ phần hóa là giải pháp quan trọng; kiên quyết thoái vốn khỏi ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính; gắn tái cơ cấu DNNN với tái cơ cấu nền kinh tế. Cơ cấu lại một số tập đoàn và tổng công ty hiện có cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu ban hành Nghị định riêng về nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng.
“Tất cả các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian tới phải công khai, minh bạch. Sự chậm trễ vừa qua có nguyên nhân khách quan, cần có sự chuẩn bị tốt. Hơn nữa, yêu cầu thực tế là các tập đoàn, TCT cần phải công khai thông tin để có sự giám sát tốt hơn. Làm như vậy cũng góp phần chống tiêu cực trong các DNNN” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trăn trở về những khó khăn của nền kinh tế, ĐB Phạm Tất Thắng (Đoàn ĐB Vĩnh Long) có hỏi: Năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, liệu nền kinh tế nước ta có suy giảm hay không? Đã qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể, thời gian qua (quý I), tăng trưởng thấp (4%), nhiều doanh nghiệp giải thể, nhưng quý 2, tăng trưởng đã khá hơn, doanh nghiệp giải thể ít hơn, hàng tồn kho ít hơn. Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá, nền kinh tế đất nước đã bước đầu có những dấu hiệu khả quan. Có thể nói chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục.
Nghị quyết 13 đặt ra gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng, lãi suất huy động 9%, lãi suất vay không quá 13%, tới đây, chúng ta sẽ phát hành trái phiếu CP với trị giá khoảng 21.000 tỉ đồng, nhằm tạo động lực hỗ trợ cho sản xuất, nhưng cũng dễ làm cho lạm phát trở lại.
Mục tiêu của Chính phủ là không để lạm phát quay trở lại, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu nhất quán trong sự điều hành của Chính phủ thời gian tới. Tới đây, mức tăng trưởng có thể lên tới 6%, lạm phát từ 7 – 8%".
Về phí bảo trì đường bộ, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) phản ánh: Qua tiếp xúc, cử tri TP HCM rất bức xúc với Nghị định 18 về thu phí phương tiện xe cơ giới. Các Hiệp hội kinh doanh vận tải cũng cho rằng, nếu thu phí như Nghị định 18 thì sẽ là tận thu và không biết làm ăn thế nào.
Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn: Xin Phó Thủ tướng cho biết, Điều 5, khoản 23 Nghị định 18, cụ thể hóa điều 49, khoản 2 Luật Giao thông đường bộ về Quỹ bảo trì đường bộ. Trong điều 5 qui định 2 khoản: (i), ngân sách phân bố hàng năm, (ii) khoản thu liên quan đường bộ và khoản thu khác theo qui định của pháp luật. Hai nội dung này được qui định rõ tại Điều 5, khoản 2 và 3, nhưng Nghị định lại phê là các loại phương tiện. Điều này có phù hợp pháp lý hay không?
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị định 18 của Chính phủ là có cơ sở pháp lý. Điều 5 ghi: nguồn hình thành quỹ: (i) Phí bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm xe ô tô, máy kéo, rơ moocs… (ii) Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho quỹ và (iii) các nguồn thu liên quan đến đường bộ và các nguồn thu khác theo qui định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ: Nguồn tài chính quản lý hệ thống quốc lộ và đường địa phương được bảo đảm từ Quỹ bảo trì đường bộ. Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ nguồn sau: (i) Ngân sách Nhà nước phân bố hàng năm; (ii) các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo qui định của pháp luật; (iii) Chính phủ qui định cụ thể việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Trả lời câu hỏi, phí này có phải là một phí đánh vào tài sản không, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Phí này không phải là mới mà đã được qui định tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí, lệ phí số 38 ngày 28/8/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện nay, phí bảo trì đường bộ đang được thu qua các trạm thu phí theo qui định tại Thông tư số 90 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng phí đường bộ.
Nghị định số 18 tại khoản 1, điều 5 qui định: Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông đường bộ, chỉ là thay đổi phương thức thu, chế độ thu so với hiện hành. Việc thay đổi phương thức, chế độ thu là thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo qui định tại khoản 3, điều 9 Pháp lệnh về phí và lệ phí). Theo đó, Chính phủ có thẩm quyền qui định mức thu, chế độ thu đối với một số phí, lệ phí quan trọng.
Mức phí thu được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện. “Do đó, phí bảo trì đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Kết thúc phần trả lời về nội dung này, Phó Thủ tướng khẳng định lại: “Nghị định 18 là đúng pháp luật. Phí này thực ra là có từ 2011 đến nay giờ chuyển lại theo Luật giao thông đường bộ chờ Quốc hội thông qua”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Đại biểu Trần Du Lịch có ý kiến: “Chính phủ nên tính lại cách thu phí này, dù là hợp lý nhưng lại không hợp tình”
Về tình trạng tham nhũng, lãng phí đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Về giải pháp phòng chống, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.
Trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.
“Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng nhân dân cả nước tích cực giám sát đối với hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Về khiếu nại, tố cáo (KNTC), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giải quyết KNTC của công dân trên tinh thần vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xử lý nghiêm minh những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật.
Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải quyết KNTC; tổ chức đối thoại với người KNTC, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia của luật sư, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giải quyết KNTC bảo đảm giải quyết có lý, có tình, dứt điểm từ cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; công bố công khai kết quả giải quyết kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác bồi thường, thu hồi đất, nhất là trong thực hiện cưỡng chế của các địa phương. Yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác này thời gian qua, cần phải làm tốt từ khâu quy hoạch sử dụng đất đến việc lập và triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.
Cùng với đó là chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tự giác chấp hành, trong trường hợp buộc phải cưỡng chế thì cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật
Nguyễn Sơn