(GD&TD)-Để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần giảm ùn tắc, hạn chế phương tiện giao thông vào trung tâm, TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó Hà Nội đã bắt đầu nghiên cứu việc thu phí lưu hành phương tiện.
Giải quyết ùn tắc giao thông đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ (ảnh MH) |
UBND TP.Hà Nội vừa có công văn số 93/VP-GT gửi Sở GTVT, Sở Tài chính và CATP Hà Nội yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc thu phí phương tiện giao thông hoạt động trong nội đô.
Trước đó, ngày 28/12/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Tờ trình số 8868/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001.
Theo đó, mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ được dự kiến thu như sau: Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), loại có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống, mức phí 20.000.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3, mức phí 30.000.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, mức phí 50.000.000 đồng.năm.
Đối với xe mô tô (xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh) của các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, loại có dung tích xy lanh dưới 175 cm3 phải nộp phí 500.000 đồng/năm. Loại có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên, mức phí 1.000.000 đồng/năm.
Tờ trình đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm với đối tượng thu là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công và xe ô tô buýt. Thời gian thu phí là giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 - 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ đến 19 giờ hàng ngày (trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ).
Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội đô thành phố, phương thức thu là thu qua các trạm thu phí xe ô tô và chỉ thu chiều vào với mức thu dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi…).
Theo Tờ trình của Bộ GTVT, các trung tâm đăng kiểm sẽ thu phí lưu hành xe ô tô, các địa phương sẽ thu phí xe máy và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố. Khu vực thu và mức thu cụ thể, Bộ GTVT đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương.
Tin từ UBND TPHCM, trong năm 2012, TPHCM sẽ triển khai nghiên cứu nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu đề tài quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe để đề xuất Chính phủ cho thí điểm thực hiện ở TPHCM. Xây dựng phương án điều chỉnh tăng mức thu các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lệ phí lưu hành các loại phương tiện giao thông cá nhân (lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông đường bộ…).
Nghiên cứu tổ chức thực hiện đề án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm thực hiện cấm một số loại xe lưu thông trong khoảng thời gian nhất định trên một số tuyến đường có mật độ giao thông cao (cấm taxi, xe cá nhân, xe trên 30 chỗ ngồi…). Xây dựng phương án phối hợp với Bộ GTVT triển khai thực hiện đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Ngọc Khánh