Thu phí xe vào trung tâm Hà Nội và TPHCM từ 2013 - 2017

Thu phí xe vào trung tâm Hà Nội và TPHCM từ 2013 - 2017
 
 

(GD&TĐ) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng dự thảo quyết định phê duyệt đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố. Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tiếp tục xây dựng đề án, lộ trình hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM.

Phí vẫn thu, giờ vẫn đổi

Đề án trình Thủ tướng do Viện Chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu, được Bộ GTVT bổ sung, chỉnh sửa trình Thủ tướng đưa ra giải pháp đầu tiên trong việc hạn chế xe cá nhân (ôtô con, xe máy) là kiểm soát và từng bước hạn chế xe cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố, trong một vành đai đô thị hoặc trong một khu vực cụ thể (tổ chức phân luồng giao thông, tổ chức khu phố đi bộ...).

Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung phí xe cộ trong khu vực trung tâm thành phố vào danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh phí và lệ phí nhằm phục vụ nghiên cứu, xây dựng đề án “Thu phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông”.

Bên cạnh đó, để tăng mức phí trông giữ xe nhằm hạn chế xe cá nhân, Bộ GTVT đề xuất phương án chuyển đổi phí trông giữ phương tiện thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện tại các khu vực trung tâm đô thị loại đặc biệt, cho phép áp dụng thí điểm tại một số quận nội thành.

Tiếp tục triển khai thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh đảm bảo khoa học, hợp lý. Đầu tư, lắp đặt hệ thống giám sát giao thông, cưỡng chế và xử phạt vi phạm bằng hình ảnh trên một số trục giao thông chính.

Để khuyến khích người dân đi phương tiện giao thông công cộng, đề án cũng đề xuất bố trí các điểm đỗ xe miễn phí tại các điểm trung chuyển, điểm phát sinh thu hút lớn cho hành khách gửi xe cá nhân khi tham gia sử dụng phương tiện công cộng.

Tập trung trước hết vào hai thành phố lớn nhất nước

Dựa trên đặc thù của từng thành phố, đề án đưa ra các giải pháp mà Hà Nội cần thực hiện như: Xây dựng lộ trình cụ thể và phát triển vận tải công cộng nhằm hạn chế xe cá nhân ở khu vực phía trong đường vành đai 1: Phát triển không gian đi bộ, các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố như khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu bảo tồn cấp I trong khu vực phố cổ Hàng Đào, khu vực lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 2);

Đầu tư, phát triển số lượng ôtô điện hoạt động trên các tuyến phố gắn kết với quần thể khu du lịch, di tích lịch sử phù hợp với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân; phát triển một số tuyến buýt chuyên dụng có khoang chở hàng hóa kết nối với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ga Hà Nội, các bến xe liên tỉnh;

Ưu tiên xây dựng bãi đỗ xe ngầm, cao tầng trong nội ô, di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội ô. Đồng thời Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Với TPHCM, đề nghị phát triển và mở rộng không gian đi bộ trên các tuyến phố đi bộ như: Khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi;

Đầu tư ôtô điện trong khu vực trung tâm thành phố, dọc đại lộ Võ Văn Kiệt nối trung tâm với khu Chợ Lớn, bến xe miền Tây và dọc sông Sài Gòn;

Lập quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 nhằm tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch;

Tăng cường và bố trí hợp lý một số tuyến xe buýt (bao gồm cả xe buýt có khoang chở hành lý) tiếp cận với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ga Hòa Hưng, các bến xe liên tỉnh; tiến hành di dời các nhà máy, các bến cảng: Ba Son, Tân Cảng, Tân Thuận Đông, Petec, khu cảng Sài Gòn theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến xe buýt nhanh số 1, số 2 và một số tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, 3A. 

Thanh Đình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.