Hà Nội dự kiến tăng phí dịch vụ thoát nước thải

Dịch vụ thoát nước thải trên địa bàn 12 quận và 9 phường ở thủ đô dự kiến có mức phí cao hơn so với hiện hành và tăng 5% mỗi năm.

Hiện trạng xử lý nước thải ở Hà Nội (click vào hình để xem). Đồ họa:Tiến Thành
Hiện trạng xử lý nước thải ở Hà Nội (click vào hình để xem). Đồ họa:Tiến Thành

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về đề án giá dịch vụ thoát nước thải. Theo đó, mức thu khởi điểm chi phí dịch vụ thoát nước thải từ năm 2019 sẽ bằng 20% giá bán nước sạch với nước phục vụ sinh hoạt và đơn vị sự nghiệp, cộng cộng; 30% với nước phục vụ sản xuất, kinh doanh; mức thu này sẽ tăng thêm 5% mỗi năm cho đến năm 2023.

Hiện nay Hà Nội đang thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% theo giá nước sạch, mức giá nước sạch (cả sinh hoạt và sản xuất công nghiệp) trung bình là 9.774 đồng/m3. Tuy nhiên, mức thu này chỉ đáp ứng khoảng 20% chi phí đầu tư, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.

Để hướng tới mục tiêu thu phải đủ bù chi, giảm áp lực cho ngân sách, TP Hà Nội xây dựng đề án giá dịch vụ thoát nước thải nêu trên. Nếu mức thu mới được thông qua, mỗi hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10 m3 mỗi tháng phải trả thêm hơn 11.000 đồng cho dịch vụ thoát nước thải, đến năm 2023 số tiền này là trên 22.000 đồng.

Nếu hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt 30 m3 mỗi tháng, số tiền phải trả thêm cho dịch vụ thoát nước thải là hơn 40.000 đồng, đến năm 2023 thêm gần 85.000 đồng.

Giá dịch vụ thoát nước thải được đề xuất áp dụng cho 12 quận và 9 phường của thị xã Sơn Tây. Hàng tháng, đơn vị cung cấp nước sạch tổ chức thu dịch vụ này đồng thời với thu tiền sử dụng nước sạch.

Các địa bàn không thuộc đề án vẫn thu tiền theo quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt (10% giá bán 1m3 nước sạch). Các huyện đang có đề án thành quận như Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, sau khi thành lập quận sẽ áp dụng giá dịch vụ thoát nước.

Tổng lượng nước thải trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 1,2 triệu mét khối mỗi ngày, trong đó lượng nước thải sinh hoạt là 900 nghìn mét khối. Toàn bộ nước thải được thu gom nhưng chỉ 20% được xử lý tại các nhà máy.

Bên cạnh đó, mỗi năm thành phố phải chi trả hàng nghìn tỷ đồng chi phí duy tu, duy trì hệ thống thoát nước (gồm cả nước mưa, nước thải), trong khi số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt chỉ đáp ứng khoảng 20%.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ