Năm 1980, GS Vũ Trọng Hồng khi ấy là Hiệu phó Đại học Thủy lợi dẫn sinh viên đi nạo vét sông Tô Lịch. Bùn đất được đắp mở rộng phân xưởng nhà máy cơ khí ở Ngã Tư Sở. Trong ký ức người thầy, hai bên bờ sông còn là đường đất. Làng mạc, ruộng đồng nằm cách xa bờ một đoạn. Người dân trồng những bè rau muống, thả sát mép sông. Thủ đô khi ấy có 2,5 triệu người.
Gần bốn mươi năm sau, dân số thủ đô hơn 8 triệu người sau bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính. Tô Lịch giờ là dòng nước đen đặc chảy xuyên qua 6 quận nội thành. Mỗi ngày, con sông hứng trực tiếp 150.000 m3 nước thải sinh hoạt của một triệu cư dân thành phố. Dọc khúc sông dài 14 km từ Cầu Giấy đến Thanh Trì có 280 cống xả thải. Những họng cống hình tròn, hình hộp, rộng từ một đến 5 mét, nằm trên thân bờ kè, cách nhau khoảng 50 mét.
Dòng nước đen mà Tô Lịch tiếp nhận chỉ là 1/6 lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày ở Hà Nội. Mỗi ngày, người dân thủ đô giật bồn cầu, nấu ăn, tắm giặt... xả ra khoảng 900.000 m3 nước thải sinh hoạt. Chưa kể, còn khoảng 300.000 m3 nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề. Hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, rửa xe, kinh doanh xăng dầu thải trực tiếp dầu, mỡ ra hệ thống thoát nước.
Nước thải sinh hoạt mang theo cặn bã hữu cơ, xà phòng, hóa chất, kim loại nặng và vi trùng gây bệnh từ nhà vệ sinh, bếp ăn của hộ dân, nhà hàng đổ vào cống chung của thành phố. Chảy qua hệ thống cống rãnh chằng chịt cho đến khi ra mương, sông, nước chuyển màu đen và mang theo nhiều loài vi khuẩn, virus gây bệnh.
Lượng dầu, mỡ xe không được xử lý và đổ xuống sông, hồ khiến lượng dầu mỡ trong nước luôn dao động từ 0,5 - 2,5 mg/l, cao hơn quy định cho phép 2 - 3 lần. Dòng nước nhiễm dầu mỡ này chảy về trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy, gây ảnh hưởng đến các nhà máy nước sạch khu vực hạ lưu các con sông này.
Theo thống kê năm 2019 của Công ty thoát nước Hà Nội, chỉ 22% nước thải được gom qua nhà máy xử lý; 78% còn lại xả thẳng ra sông hồ, kênh mương.
Với hệ thống tiêu thoát nước do "lịch sử để lại", nước thải và nước mưa của Hà Nội hiện chung một đường ống. Trước thực trạng này, GS Vũ Trọng Hồng lo ngại, "những tích tụ của đô thị hóa lẫn công nghiệp như những đợt sóng ngầm, len lỏi dần vào đời sống cư dân thành phố. Cho đến một thời điểm nào đó có thể bùng nổ thành thảm họa không xử lý được nữa".
Ông Hồng phân tích, kim loại hoặc một số chất trong nước thải không qua xử lý ngấm vào đất, nước ngầm lâu năm có thể tích tụ thành chất độc. Chúng quay trở lại đời sống dân cư qua thức ăn, nước uống hàng ngày. "Lúc bùng phát là đại dịch bệnh, hoặc gây ra những căn bệnh quái ác, không đơn thuần là hôi và bẩn nữa", ông nói.
Một đoạn kênh thoát nước ùn ứ đầy rác thải. Ảnh: Ngọc Thành. |
Nhắc đến hệ thống gom chung nước mưa và nước thải nêu trên, ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch TP Hà Nội coi là "ăn cơm mới nói chuyện cũ". Mười năm ông lãnh đạo Hà Nội (1994-2004) là thời kỳ đất nước chuyển mình từ bao cấp sang mở cửa. Công việc ngổn ngang khiến chính quyền thủ đô phải cân nhắc "đặt lên bàn cân việc nào trước, việc nào sau". Khi ấy, miếng ăn, cái mặc được ưu tiên hơn xử lý nước thải.
Năm 1998, dự án thoát nước Hà Nội khởi động. Với tổng đầu tư 550 triệu USD từ nguồn vay ODA của Nhật, hệ thống được kỳ vọng sẽ giải quyết úng ngập cho đô thị lõi thủ đô, ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng. Hệ thống cống nội đô dù được nâng cấp, vẫn gom chung nước mưa và nước thải vào cùng một đường ống. Thành phố chưa xây dựng được nhà máy xử lý, nên nước thải, nước mưa trộn lẫn vào nhau rồi xả thẳng ra mương, sông.
"Lúc ấy lấy đâu ra tiền làm? Một ống cống chạy ngầm trong phố đâu phải là chuyện đơn giản", ông Nghiên lý giải.
Việc mà chính quyền làm được khi ấy, là "dọn dẹp, cho kè lại mấy con sông". Hai mươi năm sau nhìn lại, ông nhận ra Hà Nội đã chậm trễ nhiều năm trong việc xử lý nước thải. Cách tối ưu nhất, theo ông bây giờ là "dứt khoát cống hóa cả bốn con sông trong nội thành (gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) để hạn chế ô nhiễm phát tán ra môi trường; không nên phơi mãi ra để người dân thủ đô phải chịu".
"Không phân tách được nước thải, nước mưa thành hệ thống riêng biệt để xử lý dẫn đến rất nhiều hệ hụy", ông Bùi Ngọc Uyên – đại diện Công ty thoát nước Hà Nội cho biết. Các loại chất thải hữu cơ, bùn đất, nước mưa trộn lẫn nhau gây tắc cống. Gặp một trận mưa to, nước thải kèm nước mưa chảy xuống ao hồ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến hệ thống thủy sinh.
Kết quả quan trắc các sông nội thành từ 2014 - 2018 đều cho chỉ số chất lượng nước chủ yếu dưới mức 25, tương đương mức ô nhiễm rất nặng. Nguồn:Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018. |
Năm 2015, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng CECR khảo sát 30 hồ Hà Nội. Kết quả 25 hồ có dấu hiệu ô nhiễm đến ô nhiễm rất nặng. Quanh các miệng hồ Giảng Võ, Nghĩa Tân, Thủ Lệ... nhóm khảo sát đều tìm được 3 - 6 cống xả thải trực tiếp nước sinh hoạt xuống hồ.
Kết quả quan trắc liên tục từ năm 2014 đến 2018 cho thấy, chỉ số chất lượng nước (WQI) của các dòng sông trong nội thành đều dưới mức 25, tương ứng ký hiệu màu đỏ. Riêng sông Tô Lịch đoạn chảy qua Nghĩa Đô, chỉ số có năm còn xấp xỉ 0. Đồng nghĩa với nguồn nước đã bị ô nhiễm cực kỳ nặng.
Tháng 7 năm 2009, HĐND TP Hà Nội họp kỳ thứ 18 đã ra nghị quyết xử lý 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn thành phố. Đó là thu gom chất thải rắn, xử lý ô nhiễm nước mặt và môi trường không khí. Hà Nội định hướng từng bước tách nước thải và xử lý trước khi đổ vào sông, hồ; nâng cao năng lực xử lý tại nguồn cho cư dân, nhà hàng, làng nghề, cơ sở y tế, công nghiệp. Cho đến nay, chưa có dự án tách riêng nước thải nào được khởi động.
Năm 2016, thành phố khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư 16.200 tỷ đồng. Công trình thu gom, xử lý nước thải cho 7 quận, huyện, kỳ vọng "hồi sinh" các dòng sông chết. Nhà máy dự kiến năm 2019 hoàn thành, nhưng cho đến tháng 9 năm nay mới đạt khoảng 10% khối lượng.
"Sông Tô nước chảy trong ngần/ Con thuyền buồm trắng bơi gần bơi xa", chỉ còn xuất hiện trong ký ức thầy giáo Hồng, về đám sinh viên thủy lợi ngày ấy vừa gánh đất, vét bùn, vừa đọc thơ trêu ghẹo nhau.
Sông Tô bây giờ không có con thuyền buồm trắng nào, chỉ có thuyền sắt của nhân viên môi trường đô thị ngày ngày vớt rác ùn ứ để khơi thông dòng thải. Người Hà Nội đi ngang qua Tô Lịch đều bịt mũi, đeo khẩu trang. Chỉ có ông tiến sĩ môi trường người Nhật dám ngụp lặn trong bể thí điểm làm sạch nước sông, để chứng minh một điều: Nước sau xử lý đã đạt tiêu chuẩn, có thể rửa mặt được.