(GD&TĐ) - Sau 3 năm thực hiện đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và y tế giai đoạn 2009-2015, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND Thành phố Hà Nội đã đánh giá kết quả đạt được, trên cơ sở đó có kế hoạch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
|
Trường MN Mai Lâm (Đông Anh - HN) là một trong số ít trường MN của Hà Nội có được quỹ đất rộng rãi để phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của trẻ (Ảnh: gdtd.vn) |
Sau 3 năm thực hiện đẩy mạnh XHH, quy mô, mạng lưới, trường lớp của Hà Nội tiếp tục phát triển ổn định. Hiện nay toàn Thành phố có 2.434 trường, trong đó có 121 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, 371 cơ sở giáo dục ngoài công lập. |
Kết quả khảo sát cho thấy, song song với việc chuyển đổi loại hình trường như chuyển đổi trường MN bán công nông thôn thành trường MN công lập, chuyển đổi trường dân lập sang tư thục, Sở đã thí điểm triển khai mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao.
Hiện nay, toàn thành phố đã có 12 trường tham gia ở các loại hình trường gồm các cấp học từ MN đến TCCN. Một số quận, huyện đang triển khai đầu tư xây dựng trường theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao như Cầu Giấy, Thường Tín, Mê Linh, Từ Liêm… Hiện tại các trường công lập thí điểm mô hình này là những đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động và đã khẳng định được niềm tin, uy tín trong nhân dân về chất lượng giáo dục và đào tạo. Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư phát triển trường lớp có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Thành phố. Đến nay có 121 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hoạt động, trong đó có 24 cơ sở có vốn nước ngoài đầu tư, 97 cơ sở giáo dục giảng dạy tăng cường ngoại ngữ theo chương trình của nước ngoài.
Công tác triển khai, đẩy mạnh XXH trên địa bàn thành phố tuy đã gặt hái những thành quả nhất định song còn một số bất cập như: khu vực nội thành có nhu cầu phát triển trường ngoài công lập nhưng khó khăn về quỹ đất, trong khi đó, khu vực ngoại thành có quỹ đất nhưng không có nhiều nhu cầu trường ngoài công lập; việc giao quỹ đất sạch kêu gọi các dự án khuyến khích xã hội hoá đầu tư còn khó khăn do khả năng ngân sách còn hạn chế vì phải ưu tiên cho một số lĩnh vực khác cấp bách hơn; Việc thay đổi các cơ chế chính sách về giải phóng mặt bằng cũng gây khó khăn không nhỏ cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án; Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành trong việc rà soát xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, khu nhà ở đảm bảo phải có đủ trường học công lập và ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân còn chậm; Việc thực hiện thí điểm và đưa ra các tiêu chí về mô hình trường cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao còn chậm do Bộ GD&ĐT chưa phê chuẩn mô hình trường học dịch vụ trình độ, chất lượng cao…
Bà Ngô Thị Doãn Thanh - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND đã đánh giá cao tinh thần chủ động, nghiêm túc triển khai có hiệu quả công tác XHH của Ngành giáo dục và thông qua đó đã đóng góp nhiều thành tích trong sự phát triển về văn hoá - xã hội của Thủ đô, hướng tới mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, Sở cần giám sát, thực hiện tốt hơn nữa công tác XHH giáo dục vì Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng về nhân lực, nhân tài và có điều kiện tiếp cận với giáo dục quốc tế. Cần sớm tham mưu và trình Thành phố phê duyệt tiêu chí mô hình trường cung ứng trình độ, dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Các Sở, Ngành có liên quan rà soát, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và thống nhất các văn bản, cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các đơn vị, các nhà đầu tư thực hiện tốt hơn công tác XHH.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch HĐND Thành phố, đồng thời khẳng định đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên Ngành giáo dục Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai công tác XHH giáo dục để xứng với tiềm năng và nhiệm vụ đề ra.
Bảo Minh