Hà Nội: Dạy học linh hoạt trước bối cảnh F0 tăng nhanh

GD&TĐ - Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh với gần 5 nghìn ca/ngày. Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại, nhất là khi học sinh, sinh viên từng bước trở lại trường học.

Học sinh Trường THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) trong giờ học Tin học.
Học sinh Trường THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) trong giờ học Tin học.

Linh hoạt xử lý trường hợp F0

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì - cho biết: Để đón học sinh đi học trở lại, các trường đều chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch như máy đo thân nhiệt, khẩu trang, nước khử khuẩn, phòng cách ly, quy trình hướng dẫn, đón tiếp học sinh vào lớp…

Cùng với cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh các trường học còn có sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, lực lượng Công an ở các xã, thị trấn phối hợp cùng nhà trường phân luồng học sinh trước cổng trường nên không có hiện tượng ùn tắc giao thông, tập trung đông người.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của các nhà trường là việc xử lý các trường hợp F0 trong quá trình dạy học. Ngay khi gia đình báo có học sinh F0, lập tức nhà trường báo cáo với phòng GD&ĐT và Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của xã, đồng thời cho học sinh lớp đó tạm chuyển học trực tuyến 2 ngày để điều tra các em tiếp xúc gần và đề nghị test nhanh để sàng lọc.

Cùng với đó, nhà trường đã đầu tư lắp một phòng học có webcam để phát trực tiếp giờ học cho các em tạm dừng đến trường. Trong tất cả tiết học, các em F0, F1 vẫn vào lớp học qua phần mềm Zoom, giáo viên dạy trực tiếp, gọi học sinh cùng tương tác. Nhờ đó, các em đang tự cách ly, theo dõi tại nhà vẫn được học bình thường, phụ huynh yên tâm khi các con chưa được đến trường.

Còn cô Trần Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) - thông tin: Sau gần 2 tuần tổ chức cho học sinh đi học trở lại, tỷ lệ học sinh đến trường đạt hơn 97%, chỉ trừ những học sinh đang thuộc diện F1. Trước nhiều tình huống thực tế, ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường đã phải làm việc gấp nhiều lần để chủ động đưa ra cách giải quyết tốt nhất, tối ưu nhất; vừa đảm bảo an toàn - vừa duy trì chất lượng giáo dục.

Những ngày này, số ca F0 trên địa bàn xã đang không ngừng gia tăng. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, Ban giám hiệu và các thầy, cô phải có mặt từ 6 giờ sáng để thực hiện các nhiệm vụ được phân công bao gồm phân luồng học sinh từ cổng, đo thân nhiệt, hướng dẫn lên lớp, nhắc nhở phụ huynh học sinh thực hiện 5K. Ngay những ngày đầu đi học trực tiếp, nhà trường cùng lúc vừa thực hiện công tác phòng chống dịch, vừa triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.

“Ban giám hiệu đã lên kế hoạch rà soát các nội dung, chương trình giáo viên đã dạy trong thời gian trực tuyến xem các em bị trống, hổng chỗ nào để chỉ đạo phân loại, ôn tập, bù đắp kiến thức. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở giáo viên quan tâm đến tâm lý học sinh, có hình thức động viên phù hợp để tạo hứng thú học trực tiếp cho các em”, cô Trần Thị Hiền chia sẻ.

Công tác phòng dịch Covid-19 luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm.
Công tác phòng dịch Covid-19 luôn được các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Nhiều hình thức dạy học linh hoạt

Dạy học linh hoạt là một trong những yêu cầu các trường học phải thực hiện khi tổ chức cho học sinh đến trường nhằm bảo đảm việc học không gián đoạn, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Thầy Nguyễn Quang Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) - thông tin: Qua tham khảo ý kiến của giáo viên, nhà trường quyết duy trì một lớp học trực tuyến vào mỗi tối dành cho những học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Giáo viên từng khối được phân công dạy để vừa quan tâm, theo dõi, vừa kiểm tra toàn diện các em sau mỗi buổi học.

Qua 2 tuần triển khai dạy học, Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) có 2 cô giáo là F1, mỗi cô có hơn 10 tiết dạy trực tiếp/tuần nên trường không thể bố trí người dạy thay. Cô Lê Thị Lâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Ban giám hiệu đã đưa phương án học sinh vẫn đến lớp, giao cho một cô giáo khác quản trật tự, còn cô giáo F1 tiếp tục ở nhà dạy qua Zoom.

Ngoài bảo đảm việc xử lý, giải quyết các phần việc, tình huống trên, công tác rà soát, báo cáo được nhà trường nghiêm túc thực hiện. Đầu giờ học, giáo viên chủ nhiệm các lớp thống kê, có số liệu báo cáo gửi ban giám hiệu tổng hợp về số học sinh F0, F1, ý kiến phản ánh của phụ huynh để nhà trường báo cáo cấp trên.

Cùng với đó, ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường thường xuyên liên hệ với phụ huynh để tuyên truyền, động viên, nhắc nhở phụ huynh thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch; chăm sóc sức khỏe con em, cung cấp thông tin đa chiều giúp phụ huynh yên tâm cho con đi học trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.