Linh hoạt hình thức dạy và học để phòng dịch, chống rét

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết, nhiều trường học tại Thanh Hóa đã chủ động, linh hoạt trong việc dạy, học để phòng dịch Covid-19 và chống rét.

Trong giờ học, các em nhỏ tại Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) luôn thực hiện đúng 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong giờ học, các em nhỏ tại Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) luôn thực hiện đúng 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thích ứng linh hoạt

Sáng 21/2, nhiều trường mầm non tại Thanh Hóa đã chủ động linh hoạt trong việc dạy và học để chống dịch và chống rét, khi nhiệt độ ngoài trời tại địa phương xuống dưới 10 độ C.

Tại Trường Mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa), Ban giám hiệu (BGH) nhà trường đã quyết định cho trẻ nghỉ học ngày 21/2 để bảo đảm sức khỏe.

Cô Lê Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước diễn biến thời tiết và dịch bệnh, trường quyết định cho trẻ tạm dừng đến trường trong ngày 21/2. Từ ngày mai, sẽ căn cứ vào tình hình thời tiết, nếu nắng ấm hơn sẽ cho trẻ tới trường.

Theo cô Lan Anh, hiện nay tỷ lệ trẻ học trực tiếp tại trường rất thấp do tâm lý lo lắng của phụ huynh trước tình hình dịch bệnh. Mặc dù, với những trẻ tới lớp, nhà trường vẫn thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

“Với lớp nhỡ, lớp lớn các cô giáo luôn thực hiện đúng theo quy định 5K, như: đeo khẩu trang, ngồi học và nghỉ ngơi đúng khoảng cách,… Ban giám hiệu nhà trường luôn cố gắng tạo môi trường học tập an toàn và tốt nhất để phụ huynh an tâm đưa trẻ tới trường”, cô Lan Anh nói.

Tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), công tác dạy và học cũng thích ứng linh hoạt để chống dịch, chống rét. Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, hầu hết các trường đều tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp.

Một số trường Mầm non tạm dừng cho trẻ tới trường do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thuộc các xã, gồm: Hoằng Yến, Hoằng Trung, Hoằng Giang, Hoằng Phong, Hoằng Đạo…

Đối với cấp Tiểu học có 23 lớp tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến. Cấp TH&THCS có 65 lớp và 23 lớp thuộc cấp THPT&GDTX trên địa bàn huyện tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến.

Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh cách ly tại nhà với máy quay ghi lại toàn bộ bài giảng của giáo viên tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho học sinh cách ly tại nhà với máy quay ghi lại toàn bộ bài giảng của giáo viên tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Tại xã miền biển Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), BGH Trường Mầm non xã này đã quyết định cho trẻ tạm dừng đến trường từ sáng 21/2, do xuất hiện trường hợp giáo viên, học sinh là F0.

Theo cô Nguyễn Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường, việc tạm dừng học là để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời tiến hành vệ sinh trường, lớp theo quy định.

“Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của xã Hoằng Yến, nhà trường quyết định cho HS tạm nghỉ học trong hôm nay và ngày mai, để xét nghiệm tầm soát các trường hợp tiếp xúc với F0. Nếu tình hình ổn định, thời tiết nắng ấm sẽ cho các con trở lại trường”, cô Hường nói.

Ông Đoàn Đăng Khoa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, thực hiện theo công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Phòng GD&ĐT huyện đã báo cáo tình hình với Ban chỉ đạo huyện Hoằng Hóa. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong huyện căn cứ theo tình hình thực tế, để có phương án dạy và học phù hợp.

“Huyện Hoằng Hóa là địa phương có lượng công nhân làm việc ở các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn huyện và gần huyện khá lớn. Khi bố, mẹ không may nhiễm Covid-19, là một trong những nguyên nhân khiến các cháu bị lây nhiễm”, ông Khoa nói.

“Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, hiện nay một số trường trên địa bàn huyện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã tổ chức các lớp học trực tuyến song song với hình thức dạy học trực tiếp với các lớp còn lại.

“Từ đầu năm học, các trường đã tận dụng thời gian vàng để dạy học trực tiếp. Do đó, chương trình vẫn được đảm bảo”, ông Khoa cho hay.

Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) là một trong những trường đang áp dụng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Giáo viên giảng dạy môn Vật lý qua phòng học Zoom tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ.
Giáo viên giảng dạy môn Vật lý qua phòng học Zoom tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ.

Thầy Lê Đăng Thành – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác dạy và học trực tuyến được triển khai theo tình hình thực tế. Việc dạy học trực tuyến diễn ra qua Googe Meet hoặc phòng học Zoom.

“Với những lớp có học sinh là F1 phải cách ly tại nhà, các thầy, cô giáo sẽ đặt máy quay khi dạy trực tiếp trên lớp. Cách làm này vừa giúp giáo viên không phải soạn thêm giáo án vừa giúp HS bị cách ly tại nhà tiếp thu được toàn bộ kiến thức”, thầy Thành nói.

Dành nhiều thời gian tìm hiểu các thiết bị dạy học trực tuyến, đến nay cô Lê Thị Hải Yến (giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ) hoàn toàn tự tin và sẵn sàng khi phải chuyển sang hình thức này.

“Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên trước hết phải thành thạo công nghệ, quản lý giờ học tốt,… Để các em hứng thú với môn Tiếng Anh, tôi thường xuyên áp dụng các trò chơi với các nội dung củng cố và ôn tập lại kiến thức. Vì vậy, không khí lớp học cũng sôi nổi hơn”, cô Yến tâm sự.

Em Hoàng Trung Hải (lớp 8E, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ) cho rằng, hình thức học trực tuyến không gia tăng áp lực trong việc tiếp thu kiến thức.

“Sau những lần học trực tuyến của mình cùng với những chia sẻ của bạn bè, em thấy rằng hình thức dạy học này không áp lực và gò bó. Đặc biệt, chúng em còn được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy thông minh và đa dạng của thầy, cô”, nam sinh bộc bạch.

Chị Hoàng Thị Hương (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa), mẹ của em Tạ Thị Vân Anh (lớp 9C, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ) chia sẻ: “Việc nhà trường chuyển sang hình thực dạy và học trực tuyến rất an toàn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng hành cùng con trong suốt quá trình học, tôi nhận thấy cháu rất nghiêm túc, không xao nhãng việc học. Vì vậy, kết quả học tập cũng rất ổn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.