Hà Nội 'đánh' mạnh tội phạm 'tín dụng đen'

GD&TĐ - Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn có 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính.

Một trong nhóm đối tượng có liên quan đến tín dụng đen bị bắt giữ tháng 10/2023.
Một trong nhóm đối tượng có liên quan đến tín dụng đen bị bắt giữ tháng 10/2023.

Trong 2 tháng, Công an TP Hà Nội đấu tranh và khởi tố 12 vụ với 43 bị can, đồng thời rà soát lập danh sách hàng loạt băng nhóm, đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

“Nóng” hành vi cho vay lãi nặng

UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số 412 (ngày 6/11/2023) về công tác triển khai và kết quả thực hiện Công điện số 766 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” tháng 9, tháng 10/2023 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 12 vụ với 43 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, 10 vụ với 33 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, 2 vụ với 10 đối tượng cưỡng đoạt tài sản. Từ hồ sơ và tài liệu thu thập được, cơ quan chức năng đã khởi tố 12 vụ với 43 bị can.

Cùng với đó, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận 5 đơn thư, tin báo tố giác tội phạm có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chủ yếu là đơn thư liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Căn cứ vào đơn thư và tài liệu điều tra, xác minh cơ quan chức năng đã khởi tố 2 tin, hiện đang giải quyết vụ việc còn lại.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố đã rà soát, lập danh sách 4 băng nhóm tội phạm có tổ chức với 20 đối tượng và 3 nhóm với 12 đối tượng chưa đủ tiêu chí. Đồng thời, xác định 143 đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” để lên kế hoạch đấu tranh, triệt phá trong đợt cao điểm.

Trong tháng 9 và tháng 10/2023, Công an TP Hà Nội đã bắt, khởi tố 1 băng nhóm tội phạm có tổ chức với 9 đối tượng, hiện còn 3 băng nhóm và 16 đối tượng.

Tiêu biểu trong các vụ việc có thể kể đến vụ bắt giữ Vũ Sinh Lợi (SN 1982, trú tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) cùng 8 đối tượng để xử lý về hành vi cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc.

Cụ thể, ngày 12/10, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khống chế, bắt giữ, đồng thời khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng. Lợi cùng 14 đàn em đã bị đưa về trụ sở cơ quan công an để đấu tranh, làm rõ.

Qua điều tra, Công an TP Hà Nội xác định, năm 2021, Lợi bàn với Nguyễn Chí Tỉnh cùng nhau góp vốn nhận các số lô, đề hoặc giao các tài khoản cá độ bóng đá, tài khoản lô, đề trên mạng Internet cho khách có nhu cầu chơi.

Cả hai thống nhất giao cho người quản lý, giao dịch với khách. Các đối tượng thống nhất lãi suất, liên hệ, giao dịch với nhau bằng “sim rác” và nền tảng mạng xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm của Lợi đã cho hàng trăm người vay với số tiền khác nhau từ vài trăm đến vài tỷ đồng với lãi suất “cắt cổ”.

Ngoài ra, Lợi còn cùng với các đàn em tổ chức đánh bạc, đánh bạc với số tiền rất lớn. Từ 2021 đến nay, cơ quan công an xác định, số tiền đánh bạc của Lợi, Tỉnh với những người liên quan lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn có 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Công an thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự, dễ bị lợi dụng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

“Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở chấp hành tốt quy định về quản lý an ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chưa phát hiện cơ sở có biểu hiện nghi vấn với hoạt động tín dụng đen...”, báo cáo nêu.

Chặn tội phạm “tín dụng đen”

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an, các sở, ngành Hà Nội vào cuộc tích cực để chặn tội phạm “tín dụng đen”. Trong đó, Sở Tư pháp Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động công chứng nhằm phòng ngừa việc lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, phổ biến về luật công chứng góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân.

Sở KH&ĐT đã rà soát, kiểm tra việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký ngành, nghề dịch vụ cầm đồ, gửi thông tin. Đồng thời, phối hợp với Công an TP Hà Nội xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cũng như hậu kiểm việc chấp hành pháp luật.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường quản lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đội ngũ giáo viên, người lao động và học sinh về chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay. Cùng với đó, hướng dẫn vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, tài chính hợp pháp khi có nhu cầu chính đáng, không cầm cố, thế chấp tài sản trái pháp luật, không tham gia vào hoạt động “tín dụng đen”.

Bên cạnh kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội cũng nhìn nhận, việc quản lý hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng các đối tượng lách luật, biến tướng hoạt động cho vay, không cầm cố tài sản theo quy định nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Việc bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân còn hạn chế, tình trạng lộ lọt dữ liệu khách hàng, người dân về thông tin cá nhân, tài chính, thuế, viễn thông dẫn đến tình trạng các đối tượng mua bán, sử dụng thông tin cá nhân để gọi điện mời chào vay, đòi nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen” của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa hướng đúng đối tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

thấu chi là như thế nàoCách vay thẻ tín dụng nhanh chóngKết quả XSMB thứ 4 hàng tuần