Bốc bát họ với tỷ lệ là “10 ăn 8”
Đối tượng Nguyễn Thị Khang. |
Sáng 25/10, thông tin với Báo GD&TĐ, Thượng tá Đỗ Văn Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Khang (SN 1958), trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Tại Cơ quan điều tra, bà Khang khai nhận ở khu vực gần chợ Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) nên thường xuyên cho những người trong chợ vay tiền dưới hình thức bốc bát họ với tỷ lệ là “10 ăn 8” tương đương mức lãi suất 146%/1 năm (vượt quy định cho vay của Nhà nước 7,3 lần).
Cụ thể, khi vay bát họ 10 triệu đồng thì khách vay cầm về 8 triệu đồng tương đương 80% số tiền vay. Bà Khang sẽ thu tiền lãi ngay thời điểm vay tiền là 2 triệu đồng tương đương 20% số tiền vay.
Thời hạn đóng tiền họ là 50 ngày, mỗi ngày đóng 200.000 đồng tương đương 2% số tiền vay, trong 50 ngày sẽ trả hết tiền gốc là 10 triệu đồng. Từ tháng 6/2023 đến nay, bà Khang đã cho 10 người vay lãi nặng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được làm rõ hơn 134 triệu đồng.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của bà Nguyễn Thị Khang, cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại giấy vay tiền, hợp đồng đặt cọc, sổ sách các loại về việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua kiểm tra điện thoại di động, cơ quan chức năng thu giữ các tin nhắn về việc cho vay và đòi nợ của bà Nguyễn Thị Khang.
Trước sự việc trên, Thượng tá Đỗ Văn Quyến khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn cho vay “tín dụng đen”, đặc biệt dịp cuối năm. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn; không nên vay mượn tiền qua các cá nhân, tổ chức tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen” hoặc các trang mạng xã hội, các app quảng cáo cho vay tiền.
Tượng tự vụ việc trên, trong 2 ngày (20 - 21/10), Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã điều tra 2 vụ cho vay lãi nặng do Nguyễn Hữu Tuân (SN 1996), phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân và Phạm Ngọc An (SN 1996), phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cầm đầu.
Cơ quan điều tra xác định, từ cuối năm 2022 đến nay, Nguyễn Hữu Tuân đã cho nhiều khách vay tiền, ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội với số tiền cho vay lên đến hàng tỷ đồng. Với phương thức và thủ đoạn tương tự, khoảng đầu năm 2023, Phạm Ngọc An đã cho nhiều khách vay tiền bằng hình thức bốc “bát họ” theo tỷ lệ “10 ăn 8 trả trong vòng 50 ngày” với số tiền cho vay lên đến vài trăm triệu đồng.
Còn tại Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), ngày 24/10, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Sinh Lợi (SN 1982), Nguyễn Chí Tỉnh (SN 1989) cùng ở huyện Hoài Đức, Hà Nội và Đỗ Hoài Nam (SN 1991; ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) cùng 8 đối tượng khác về các tội danh tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự xác định, từ năm 2021 đến nay, số tiền đánh bạc của Lợi, Tỉnh với những người liên quan lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh còn cho nhiều khách hàng tại địa phương vay tiền với mức lãi suất “cắt cổ”, từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày. Từ khoảng năm 2021 đến nay, Tỉnh đã cho hơn 200 khách vay với tổng số tiền khoảng hơn một tỷ đồng.
Tang vật vụ án. |
Cảnh báo hoạt động họ, hụi
Cũng trong ngày 25/10, Bộ Công an đã phát đi khuyến cáo về rủi ro khi người dân tham gia những mô hình “họ, hụi” để phòng ngừa biến tướng của hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”.
Theo Bộ Công an, thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ “vỡ họ, hụi”, khiến nhiều người tham gia có nguy cơ bị mất tài sản. Tuy hoạt động này không bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tham gia.
Bộ Công an khuyến nghị người dân cần nhận diện rõ những rủi ro khi tham gia hụi, họ và nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng việc tham gia hụi, họ để chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an nêu, việc tham gia hụi, họ là một hoạt động theo tập quán của người dân, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin, lợi ích và quy định pháp luật. Hoạt động này phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự để phòng ngừa các vi phạm, biến tướng của hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng.
Theo cơ quan chức năng, mặc dù pháp luật đã quy định việc tham gia họ phải thỏa thuận bằng văn bản và có thể yêu cầu công chứng nhưng người tham gia chủ yếu thỏa thuận miệng, giấy tờ viết tay. Khi xảy ra các vụ vỡ hụi, họ hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người tham gia sẽ khó có thể được bồi thường một cách đầy đủ.
Để cảnh báo người dân, Bộ Công an cũng chỉ ra những dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động hụi, họ. Cụ thể, nhiều chủ họ có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật Dân sự.
Chủ họ thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây họ và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật…
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến hụi, họ như: Lãi suất không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng), nắm rõ về điều kiện của chủ họ, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ họ, thành viên góp họ quy định tại Nghị định số 19 năm 2019 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ họ, hoạt động của dây họ, yêu cầu chủ họ cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi, họ…
Nếu chủ họ điều hành từ 2 dây họ trở lên hoặc số tiền góp họ lớn hơn 100 triệu đồng thì người dân phải báo cho UBND xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm.
“Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây họ của chủ họ bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ họ thì cần báo cho chính quyền địa phương để nắm, giải quyết kịp thời”, Bộ Công an đề nghị.