Theo Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 975/QĐ-UBND, nhiều nội dung bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, tổng mặt bằng dự án.
Theo quy định, quy hoạch sử dụng đất phải ưu tiên quỹ đất cho việc bố trí các công trình dịch vụ công cộng, đất cây xanh công viên và hạ tầng kỹ thuật đô thị đảm bảo tiếp cận dần đạt đến chỉ tiêu của các khu vực đô thị mới.
Đối với công trình giáo dục đào tạo phải đảm bảo đạt chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các khu đất xây dựng công trình trường học hạn chế về quỹ đất xây dựng thì được phép nghiên cứu bổ sung thêm tầng cao, tầng hầm phục vụ cho các nhu cầu phụ trợ.
Cụ thể: Các trường mầm non được xây dựng tối đa 4 tầng, tầng 4 chỉ phục vụ cho các công trình phụ trợ, không bố trí phòng học. Các công trình trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông xây dựng không quá 5 tầng, phòng học của học sinh được bố trí từ tầng 4 trở xuống. Không bố trí gara ôtô dưới tầng hầm khối nhà học. Đồng thời đảm bảo các quy định an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy theo quy định được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận.
Cho phép kết hợp bố trí trường mầm non tại tầng 1 và 2 các công trình chung cư nhưng phải bảo đảm diện tích sân chơi, lối đi riêng phục vụ học sinh và các quy định về an toàn vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật và các quy định chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Chỉ tiêu tính toán 1,1m2 sàn/người hặc 15,2m2 sàn/trẻ và phải bảo đảm đủ các công năng theo quy định.
Trong trường hợp hiện trạng của khu vực quy hoạch không thể bổ sung diện tích cây xanh sử dụng công cộng bảo đảm quy định, đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị phải đề xuất bổ sung cây xanh, không gian mở trong các lô đất và bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng.
Thành phố quy định, khi cải tạo xây dựng đô thị cũ và thiết kế quy hoạch đô thị mới cũng như quy hoạch xây dựng các điểm dân cư cần nghiên cứu bảo tồn hoặc sử dụng hợp lý các khu cây xanh hiện có, đặc biệt với các cây cổ thụ có giá trị.
Các không gian cây xanh phải được gắn kết với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục. Phải ưu tiên tận dụng đất ven hồ và các khoảng trống hình thành trong quá trình cải tạo, tái thiết đô thị để dành cho cây xanh, thảm cỏ. Quy hoạch và trồng cây xanh sử dụng công cộng không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng, kỹ thuật đô thị, không gây nguy hiểm tới người sử dụng và môi trường sống của cộng đồng.