Giáo dục Hà Nội: Làm sáng đẹp hơn hình ảnh thành phố vì hòa bình

GD&TĐ - Giáo dục Thủ đô là hình ảnh thu nhỏ của giáo dục cả nước, vừa đa dạng các loại hình, vừa có yếu tố vùng miền (có cả dân tộc nội trú), xuyên suốt từ giáo dục mầm non đến đại học. Đây là tiền đề tốt để đưa giáo dục Thủ đô kết nối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền kinh tế tri thức.

Hà Nội trải thảm đỏ thu hút nhân tài.
Hà Nội trải thảm đỏ thu hút nhân tài.

Hai thuộc tính cốt lõi của Hà Nội

Tôi may mắn được sống ở Hà Nội liên tục tới 40 năm. Khi nói về Hà Nội, điều khiến tôi luôn tự hào và trân quý nhất chính là không gian văn hóa Hà Nội. Đó là điều đặc biệt của Hà Nội mà không nơi nào có thể sánh được. Hà Nội, Thủ đô hơn nghìn năm tuổi, hội tụ, kết tinh, lan tỏa những nét đẹp, những giá trị cao quý của các vùng miền trên cả nước. Lịch sử đang soi bóng, đang hiện hữu trong hiện tại và là nền tảng tạo động lực vươn tới tương lai. Văn hóa của Hà Nội gắn liền với hai thuộc tính đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội: Thanh lịch và hào hoa. Đi trên mỗi ngõ phố, nhất là khu phố cổ, khu vùng đô thị lõi, ta có thể cảm nhận được điều này rất rõ.

Chúng ta không đo vẻ đẹp của Hà Nội chỉ bằng chiều cao cũng như mức độ đồ sộ của các công trình. Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi trong quá trình tiến lên mà vẫn bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống. Hà Nội chỉ thực sự là Hà Nội khi người Hà Nội biết sống đẹp.

Trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã bước lên tầm cao phát triển mới. Sự phát triển của Hà Nội nhanh đến mức mà nếu ai đó đi xa Hà Nội một vài năm khi quay trở lại sẽ ngỡ ngàng, cảm giác như bước vào một thành phố khác, nhất là tại những khu đô thị mới. Có thể nói, Hà Nội đang vươn mình trong ánh sáng của thời đại mới, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những điều tích cực nhìn thấy được, Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bất cập, yếu kém về hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông không theo kịp sự phát triển của thành phố. Với số lượng phương tiện cá nhân khổng lồ như hiện nay, Hà Nội đang bị quá tải. Ách tắc giao thông công cộng và ô nhiễm môi trường sống đang tạo áp lực lên thành phố gần 10 triệu dân. Có những nơi, những lúc Hà Nội như ngộp thở trong bụi và khói. Vấn đề cấp bách hiện nay là phát triển giao thông đô thị, nhất là giao thông công cộng. Cùng với đó là bảo vệ môi trường với sông, hồ nước, cây xanh.

Nói đến ách tắc giao thông, trước khi xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông công cộng thì việc cần làm ngay hiện nay là xây dựng văn hóa giao thông. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục phải được triển khai quyết liệt, bền bỉ, sâu rộng từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Ý thức bảo vệ môi trường sống cũng cần được tuyên truyền, giáo dục một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Gần đây, chúng ta có thể nhìn thấy sự cố gắng của các ngành, các cấp của thành phố Hà Nội trong giải quyết các vấn đề cấp bách. Tình trạng ách tắc giao thông trong nhiều giờ đã giảm. Các đường vành đai, đường trên cao, nhiều cầu, đường được xây dựng. Hệ thống xe buýt hoạt động hiệu quả hơn. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Sinh quyển của giáo dục là văn hóa

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã quyết liệt, trách nhiệm, không ngại khó trong công tác phòng chống dịch. Mỗi người dân Hà Nội đã ý thức được lời kêu gọi của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, nâng cao ý thức ở mức cao nhất đồng thời chung sức, đồng lòng và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng” để cùng thành phố sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19. Nét đẹp nhân văn hiện hữu trong mỗi việc làm, mỗi người dân…

Để Hà Nội tiến lên văn minh, hiện đại nhưng vẫn là một thành phố lãng mạn, nuôi dưỡng những ước mơ về một cuộc sống hài hòa, phồn vinh về đời sống vật chất, phong phú và lãng mạn về đời sống tinh thần thì việc giáo dục và nuôi dưỡng là vô cùng quan trọng. Giáo dục không chỉ gói gọn trong những điều học được ở trên ghế nhà trường mà đó là cả quá trình liên tục, kết nối từ gia đình đến nhà trường và xã hội để cho con người lúc nào cũng được sống trong không gian giáo dục, sinh quyển giáo dục, thẩm thấu nhẹ nhàng mà sâu sắc. Để mọi người đang được giáo dục mà không cảm thấy bị giáo dục. Đó mới là điều sâu sắc, linh diệu của giáo dục, nhất là giáo dục về văn hóa, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn.

Đáng mừng là trong quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù đang phải giải quyết nhiều khó khăn, thậm chí những nghịch lý có tính xung đột, Hà Nội vẫn quan tâm lưu giữ được giá trị truyền thống, bảo tồn không gian văn hóa đặc sắc và đáng quý của Thăng Long - Hà Nội. 

Luôn là điểm sáng

Trong tiến trình 66 năm Hà Nội xây dựng và phát triển kể từ ngày giải phóng Thủ đô, giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố và trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của xã hội và mỗi gia đình. Trong dòng chảy chung của một thành phố từng trải qua chiến tranh đến xây dựng phát triển trong hòa bình với tư cách là trái tim của cả nước, giáo dục của Hà Nội luôn là điểm sáng.

Có thể nhìn thấy điều này ở cả hai khía cạnh, đó là điểm sáng trong các ngành, lĩnh vực của Hà Nội và là điểm sáng, lá cờ đầu trong lĩnh vực giáo dục của cả nước, trở thành niềm tự hào của Hà Nội. Sự nghiệp giáo dục của Thủ đô đã đạt được thành tựu xuất sắc trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Trong chiến tranh, dù dưới làn bom đạn nhưng việc học tập vẫn nền nếp. Hình ảnh thầy cô giáo, học sinh đội mũ rơm đi học thời chiến cho thấy được bản lĩnh, khát vọng hòa bình, niềm tin về tương lai…

Sau khi giải phóng Thủ đô, giáo dục càng nổi bật hơn bởi có điều kiện được chăm lo hơn. Học sinh được đào tạo qua các mái trường XHCN ở Hà Nội góp công lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc sau này. Hà Nội là nơi có nhiều học sinh xuất sắc nhất cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi, quốc gia, quốc tế. Giáo dục Hà Nội cũng làm rõ nét hơn hình ảnh Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình. Những năm gần đây, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đứng trước sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến điều kiện học tập của học sinh mới nhập về Hà Nội. Vì vậy, hàng nghìn phòng học tạm được xóa bỏ và được nâng cấp. Nhiều trường học được xây mới. Diện mạo của giáo dục các huyện ngoại thành đã thay đổi.

Tác động của ngành Giáo dục trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô, giúp Thủ đô phát triển nhanh về kinh tế nhưng vẫn hài hòa về các vấn đề xã hội. Giáo dục Thủ đô có sức hút, tạo sinh khí và sức bật từ giáo dục phổ thông đến giáo dục chất lượng cao, từ đó mang về cho Hà Nội nhiều thành tích nổi bật trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Thủ đô cũng là nơi thu hút nhân tài. Hàng năm, thành phố tổ chức tuyên dương các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH-CĐ, đồng thời có chính sách “trải thảm đỏ” thu hút thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan của thành phố đang có nhu cầu tuyển dụng. Đây cũng là một nét đẹp của giáo dục Thủ đô.

Với cách nhìn sâu sắc về 2 giá trị cốt lõi của Hà Nội là thanh lịch và hào hoa, ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”. Bộ tài liệu chứa đựng những nội dung sâu sắc về nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội, giúp HS tự hào và biết khắc phục những hiện tượng chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ cấp tiểu học, để khi lên các cấp học cao hơn, các em có sự phát triển toàn diện về mọi mặt, sống văn minh, văn hóa. Cũng như vậy, góp phần giải bài toán giao thông cho Hà Nội, ngành GD-ĐT Hà Nội đã bắt tay xây dựng bộ tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho HS. Đây là việc làm tích cực, đáng ghi nhận và nhân rộng của ngành GD-ĐT Thủ đô… Trong xã hội nhiều đối tượng cần giáo dục về ATGT nhưng giáo dục cho HS đặc biệt quan trọng, mang tính bền vững. Các em sẽ không chỉ nâng cao ý thức thực hiện tốt văn hóa giao thông mà còn là những tuyên truyền viên cho các đối tượng khác trong xã hội.

Tuy vậy, công tác giáo dục Hà Nội cần lưu ý thêm một số điểm, cụ thể là: Cần đặc biệt quan tâm đến dạy người, đạo đức học đường. Có thể thấy trên bình diện phát triển chung là đáng tự hào thì đây đó vẫn còn thiếu sự quan tâm, lỏng lẻo trong quản lý, thiếu sự liên kết giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội nên để xảy ra một số sự việc đáng tiếc, gây bức xúc dư luận... Hà Nội cần giải quyết quyết liệt vấn đề này. Và để làm được điều này cần sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt phải khắc phục tình trạng thương mại hóa giáo dục. Hiện nay, bóng dáng của lợi ích kinh tế trong chừng mực nào đó đã xô đẩy các giá trị truyền thống, giá trị cơ bản trong giáo dục. Bởi nếu bị đồng tiền, lợi ích vật chất thao túng thì ánh sáng của tri thức, của văn hóa, đạo đức trong giáo dục sẽ bị lu mờ...

Thầy, trò ngành GD-ĐT Thủ đô luôn nỗ lực dạy tốt - học tốt.
Thầy, trò ngành GD-ĐT Thủ đô luôn nỗ lực dạy tốt - học tốt.

Tránh cách nhìn cực đoan và lệch lạc

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo liên quan đến nhiều vấn đề. Nên nhìn trên bình diện tổng thể của quốc gia và tổng thể sắp xếp lại toàn diện giáo dục từ xưa đến nay để thấy cần bắt đầu từ đâu và kết nối trong chỉnh thể như thế nào. Đổi mới giáo dục liên quan mật thiết đến nền tảng và hành lang pháp lý như Luật Giáo dục; sự kết nối giữa ngành Giáo dục với các bộ ngành, các địa phương; cơ chế chính sách liên quan đến nhà giáo… Bản thân ngành Giáo dục cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề mới: Sách giáo khoa mới, đào tạo và đào tạo lại giáo viên cho phù hợp với đổi mới giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông mới; tự chủ giáo dục; sự chênh lệch giữa giáo dục công lập và ngoài công lập; phát triển giáo dục chất lượng cao và những vấn đề cụ thể bức xúc, nhức nhối như: Dạy thêm - học thêm, đạo đức học đường, an ninh trường học… Đây là hệ vấn đề lớn mà bất cứ vấn đề gì mổ xẻ để giải quyết nhưng không nhìn bằng con mắt thực tiễn và xây dựng thì luôn đặt xã hội trong sự xung đột về nhận thức và cảm xúc, dẫn đến những hành động, ứng xử không phù hợp, dễ có những quan điểm cực đoan và lệch lạc.

Những vấn đề lớn của giáo dục đang được mở ra như vậy, ngành Giáo dục đang xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, khả thi nhất, vừa giải quyết được vấn đề thời sự cấp bách vừa tiến tới giải quyết các vấn đề căn cơ và có tính hệ thống. Điều này đòi hỏi sự khẩn trương nhưng vẫn phải bình tĩnh, chọn đúng những việc cần nhất. Việc đổi mới vừa phải từ quan điểm chung của Đảng, Nhà nước, vừa từ thực tiễn của giáo dục và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời không tách rời được tâm lý xã hội vốn bị tác động, xô lệch bởi những thông tin không được kiểm chứng, kiểm soát. Chúng ta tiếp thu kinh nghiệm, thành tựu của giáo dục quốc tế nhưng cần nghiên cứu, chắt lọc, đồng thời áp dụng một cách phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.