Hà Nội: Có dấu hiệu buông lỏng quản lý trật tự xây dựng

GD&TĐ - Chỉ thị số 14 của UBND TP Hà Nội ngày 25/8 nêu rõ, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý...

Nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất).
Nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất).

Siết chặt xây dựng trái phép

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo chỉ thị, thời gian qua, số lượng các vụ cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và trật tự an toàn xã hội.

Với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã có văn bản số 1920 ngày 17/6/2021 đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục các vi phạm quy định về PCCC đối với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng, ban hành kế hoạch số 151 (ngày 18/6/2021) về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm...

Thống kê, báo cáo của Công an TP Hà Nội, việc triển khai thực hiện của các đơn vị và đặc biệt là các chủ đầu tư công trình vi phạm còn chậm trễ, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Theo Chỉ thị, nguyên nhân do ý thức chấp hành quy định về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về PCCC còn những hạn chế nhất định.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH.

UBND TP Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm đang tồn tại chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình. Cùng với đó, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC của UBND cấp huyện, cấp xã theo quy định.

Hàng loạt ki ốt, bãi gửi xe, rửa xe vừa được dựng lên đưa vào sử dụng tại khu vực ngã tư đường Trần Quốc Hoàn - Nguyễn Phong Sắc (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).

Hàng loạt ki ốt, bãi gửi xe, rửa xe vừa được dựng lên đưa vào sử dụng tại khu vực ngã tư đường Trần Quốc Hoàn - Nguyễn Phong Sắc (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).

Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố.

UBND TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với từng tồn tại, vi phạm về PCCC.

Đồng thời, chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các công trình sai phạm trong đầu tư xây dựng, ngăn chặn kịp thời không để phát sinh mới công trình vi phạm.

Tràn lan vi phạm

Tìm hiểu của PV tại huyện Thạch Thất, chỉ tính riêng xã Hữu Bằng tình trạng vi phạm nhà xưởng, kho sản xuất trên đất công, đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Đặc biệt, dù phát hiện vi phạm nhiều năm qua nhưng những tồn tại này đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn tái diễn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) - cho biết, toàn xã hiện có khoảng 3.000 nhà xưởng và hộ gia đình sản xuất kinh doanh làng nghề liên quan đến đồ gỗ.

Khu nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, PCCC tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.

Khu nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng, PCCC tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.

Thừa nhận có nhà xưởng và công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, đó là tồn tại cũ và không có phát sinh mới. “Nếu có phát sinh mới về xây dựng vi phạm, xã sẽ xử lý ngay...”, ông Nguyễn Hữu Trường nhấn mạnh.

Theo ông Trường, xã đã thống kê và báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường các trường hợp vi phạm. “Theo rà soát và kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, xã có khoảng gần 400 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp và hơn 500 trường hợp vi phạm đất công. Các trường hợp này vi phạm trước ngày 1/7/2014...”, ông Trường thông tin.

Về giải pháp quản lý đất đai, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, với các nhà xưởng vi phạm, xã có hướng xử lý cụ thể.

“Xã báo cáo các trường hợp vi phạm cho huyện, huyện báo cáo thành phố để xin chỉ đạo, nếu phù hợp quy hoạch sẽ hợp thức hóa, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển. Những trường hợp không phù hợp quy hoạch thì phải xử lý, cưỡng chế...”, ông Trường cho hay.

Trước vi phạm xây dựng tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), dư luận lo ngại về nguy cơ “mất bò mới lo làm chuồng” về cháy nổ tại đây. Trước đó, UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản 218 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

“Xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm đê điều, thủy lợi...”, văn bản thành phố nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.