Sáng 30/7, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp GPXD và hơn 2.570 trường hợp xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.
Liên quan đến tình trạng xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân nhưng hàng loạt dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp như: 410 ha dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc; 1.000ha thuộc khu đô thị Nam thành phố và hơn 870ha đất ở các dự án khác đã không còn hiệu lực hoặc chưa triển khai. Chính vì thế, dẫn đến tình trạng hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở.
Ông Trần Phú Lữ cũng nhìn nhận về hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Chẳng hạn, qua thanh tra tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Hưng Long, huyện xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất… Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều ra đối với 5 trường hợp tái vi phạm.
Về tình hình chung, lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.
“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.
Một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Hệ quả là nhiều công trình vi phạm xây dựng không và chưa được phát hiện xử lý kịp thời, gây khó khăn trong cưỡng chế công trình vi phạm.
Cùng với đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đối với các đồ án quy hoạch đã được duyệt nhưng chậm triển khai thực hiện. Việc này nhằm điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp, thiếu tính khả thi. Đặc biệt, tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thu hồi đất, chưa có nguồn lực cần có giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Chẳng hạn, qua thanh tra tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Hưng Long, huyện xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất… Huyện Bình Chánh cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều ra đối với 5 trường hợp tái vi phạm.
Tại huyện Bình Chánh, hộ dân ở Vĩnh Lộc A xin phép xây nhà 2 tầng, rộng 168 m2 nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180 m2. Một trường hợp khác xin giấy phép xây 3 căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xu hướng xây dựng không phép đang có chiều hướng tăng nhưng có thể khắc phục được nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do đó, cần phải tìm quy luật tồn tại của xây dựng không phép, sai phép để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu những công trình đã xây dựng trái phép, không phép mà đang tồn tại cần có hướng xử lý. Từ nay trở đi, xây dựng không phép, trái phép phải được phát hiện xử lý ngay, không để kéo dài với phương châm thông qua người dân, lực lượng chuyên trách và thông qua cơ chế phối hợp. Đồng thời, phải có hướng dẫn, cơ chế để có nhiều nhà ở cho người dân có nhu cầu. Xử lý nghiêm lực lượng xây dựng môi giới trái phép.
Mặt khác, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm đúng chức trách và nếu làm sai phải bị xử lý. Các quận, huyện phải có hội nghị chuyên đề về vấn đề lập lại TTXD và có cam kết cán bộ, công chức, đảng viên không làm trái pháp luật; còn những sai phạm xảy ra vừa qua phải xử lý xong trong quý 3 và 4; cấp ủy các nơi phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra một số trường hợp điển hình xây dựng trái phép, sai phép ở huyện Bình Chánh.
Một hộ dân ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đăng ký xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 168 m2, chủ đầu tư thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn nhà với diện tích hơn 1.180 m2. Một trường hợp khác cũng ở Bình Chánh, năm 2015 giấy phép xây dựng xin xây 3 căn nhưng đến năm 2017 thành 19 căn.
Rồi một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở. "Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải là không biết", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Từ đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các đơn vị thực hiện quản lý trật tự xây dựng từ nay đến tháng 6/2020. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của mặt trận và hệ thống dân vận của các địa phương. Phối hợp với ngành điện và ngành nước để việc ký hợp đồng điện, nước đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, TP sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng; cũng như bổ sung lực lượng cảnh sát khu vực vào việc giám sát TTXD. Rà soát lại quy hoạch cấp TP và quận, huyện, phường, xã. Sở Xây dựng TP phải hướng dẫn việc phải niêm yết giấy phép xây dựng tại các công trình xây dựng; xây dựng sổ tay hỏi đáp về xây dựng nhà ở và nhà xưởng ở TPHCM.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị UBND các huyện - quận, xã - phường - thị trấn tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm TTXD. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào hoạt động kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm TTXD trên địa bàn.
“Việc kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn TP cần có sự nỗ lực không chỉ của chính quyền các cấp mà còn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân TP. Chính quyền TP mong Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí giúp chính quyền TP giám sát thật chặt chẽ, cung cấp thông tin thật nhanh chóng, chính xác để xử lý kịp thời những sai phạm có liên quan trật tự xây dựng”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.