Hà Nội: Chống đứt gãy chuỗi sản xuất bằng… thuế

GD&TĐ - Cùng với gia hạn tiền thuế và thuê đất của các doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh, thành phố Hà Nội triển khai hỗ trợ người lao động để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất...

Hà Nội giãn tiền thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh minh họa
Hà Nội giãn tiền thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh minh họa

Gia hạn gần 19 nghìn tỷ đồng

Đến 31/8, Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn đối với DN thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 29.084 người. Số tiền đề nghị gia hạn là 8.278 tỷ đồng.

Trong đó, tiền thuê đất là 1.351 người nộp thuế (số điểm đất là 1.680) với số tiền đề nghị gia hạn là 1.044 tỷ đồng. Đối với cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn nộp thuế GTGT, thu nhập cá nhân (TNCN) với cá nhân kinh doanh là 660 hộ với số tiền đề nghị gia hạn 20,3 tỷ đồng.

Dự kiến, số thuế và tiền thuê đất còn được gia hạn là 13.200 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT tháng 3 đến tháng 8 và quý I, II năm 2021 khoảng 5.730 tỷ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I/2021 là 6.250 tỷ đồng. Tiền thuê đất kỳ 1/2021 là 1.200 tỷ đồng. Thuế thu nhập cá nhân của hộ cá nhân, kinh doanh là 20 tỷ đồng.

Nếu tính cả 5.734 tỷ đồng số thuế tạm nộp quý I/2021 được gia hạn nhưng đến hạn và đã nộp vào ngân sách trong tháng 7/2021 thì tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn đến thời điểm 31/8/2021 là 18.937 tỷ đồng.

Tại Công điện số 20, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ các DN, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn. Đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Theo đại diện Công ty CP Du lịch Thương mại Công đoàn GTVT (Suntravel) - một DN đã được hỗ trợ thuế năm 2020 cho biết: “Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ đã giúp DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tìm kiếm thị trường”.

Ông Nguyễn Trọng Lực - Giám đốc Công ty CP Công nghệ CNC cho rằng, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến các chính sách gia hạn, giãn, giảm thuế cho các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Các chi phí ăn ở, đi lại của cá nhân người lao động có được hỗ trợ không? Miễn giảm thuế, gia hạn nợ trong thời gian bao lâu? Các thắc mắc này cần được Cục Thuế Hà Nội tháo gỡ để doanh nghiệp thuận lợi trong việc triển khai thủ tục, hồ sơ...” - ông Lực nói.

Thêm 3 nhóm chính sách đề xuất hỗ trợ thuế

Mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 3 nhóm chính sách lần đầu được đề xuất. Theo các chuyên gia và DN, sự hỗ trợ trên là cần thiết, cấp bách nhằm giúp cộng đồng DN, người dân vượt qua khó khăn.

3 nhóm chính sách gồm: Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong các quý III, IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn.

Giảm 30% GTGT đối với DN, tổ chức kinh doanh các dịch vụ (vận tải, lưu trú, ăn uống; du lịch, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...); miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hỗ trợ lao động, đẩy mạnh sản xuất

Trong bối cảnh dịch bệnh, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang tiếp tục triển khai, tổ chức mô hình các chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Từ ngày 26/7 đến nay, đã có 36.500 “Túi An sinh Công đoàn” được trao cho các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ngày 8/9, đơn vị đã tổ chức 4 chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” trao 1.500 “Túi An sinh Công đoàn”.

Tính đến 2/9, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã có 33 đơn vị tổ chức các “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng”, 9 đơn vị đã triển khai mô hình “Siêu thị 0 đồng”. Bên cạnh đó, 21 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp “Túi An sinh Công đoàn”, với giá trị 200 nghìn đồng/suất cho 32.728 đoàn viên.

“Túi An sinh Công đoàn” đã đến tận tay người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền 6 tỷ 287,112 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng cho biết, hầu hết các DN trên địa bàn thành phố đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo quy định “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”.

Qua thống kê, hiện có 881 DN với 65.396 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”; 431 DN với 36.474 công nhân thực hiện “Một cung đường, hai điểm đến”.

Từ ngày 6/9, thành phố thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để phòng, chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt.

Công đoàn cơ sở vận động đoàn viên, công nhân trở lại làm việc tại các DN trên địa bàn “vùng xanh”, việc điều chỉnh hoạt động trở lại theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất kinh doanh áp dụng theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Đồng thời, áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương, đảm bảo tốt việc vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.