Tuy nhiên, dịch vẫn xâm nhập vào một số nhà máy, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Nhiều kiến nghị của DN với TP và các bộ, ngành
Tại buổi làm việc trực tuyến với bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc tháo gỡ khó khăn với DN sản xuất lương thực, thực phẩm trong sản xuất, cung ứng hàng hóa cho người dân TP, nhiều DN đã kiến nghị các giải pháp cụ thể mong TP gỡ khó.
Cụ thể, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần nhanh chóng thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ DN sàng lọc, cách ly nhanh các diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy.
Đồng thời bóc tách, phân lập, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng, để có thể bảo đảm tiếp tục duy trì sản xuất của DN. Bởi thực tế, thời gian qua bắt đầu có nhiều nhà máy bị dịch xâm nhập, khiến cho DN lúng túng và gặp rất nhiều khó khăn.
Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương. DN thực hiện “y tế tại chỗ”, tạo điều kiện để các DN tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng. CDC tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng. Theo bà Chi, đây là việc hết sức cần thiết để bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng.
Đặc biệt, để DN có thể yên tâm trụ vững với bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn vì dịch Covid-19, Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí cho DN.
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh bổ sung các DN ngành nghề sản xuất lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới; miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay...
Cho phép DN tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng đối với các loại nguyên liệu phụ phù hợp trong các sản phẩm. Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện để không bị đứt gãy nguồn cung.
Bà Lý Kim Chi cho biết, rất vui và đặt nhiều kỳ vọng vào các giải pháp tháo khó của Chính phủ trong thời gian qua. Thực tế, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vấn đề lưu thông hàng hóa, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Các chốt chặn tại các tỉnh vẫn “làm khó” xe chở hàng hóa của DN, nhất là DN TP Hồ Chí Minh.
Do đó, bà Chi kiến nghị các bộ, ngành phải nhất quán trong hoạt động kiểm tra, phòng chống dịch, tránh tình trạng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu. Đồng thời đẩy nhanh việc tiêm chủng, phủ vắc-xin Covid-19 càng nhiều càng tốt cho DN.
Linh hoạt trong thiết lập đầu mối tuyến quận, huyện
Ông Hồ Bá Phương - đại diện một DN, cho biết: Việc thực hiện “3 tại chỗ” như hiện nay chỉ là biện pháp tình thế và không thể kéo dài mãi. Bởi để thực hiện nguyên tắc trên, DN phải gồng gánh rất nhiều khoản chi nhằm bảo đảm chuỗi sản xuất và các quy định chống dịch tại nhà máy.
“Điều này làm tổng chi phí của DN tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi tổng sản lượng giảm hơn 50%. Đầu ra nguồn cung thì phải trên nguyên tắc bình ổn thị trường không được tăng giá chi phí quá cao khiến các DN thực sự rất khó khăn để duy trì sản xuất” - ông Phương nói.
Nhìn nhận những vướng mắc mà các DN chia sẻ, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: Việc ách tắc và nghẽn lưu thông hàng hóa là có. Tuy vậy, TP đã ngay lập tức tháo gỡ và hiện, tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa đã được tháo gỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, không ngoại lệ những người thực thi tại chốt chặn là lực lượng tăng cường, nên có nhận thức và cách áp dụng chưa nhuần nhuyễn.
“Để giải quyết vấn đề này, TP sẽ cử cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết ngay. Phần lớn trường hợp tắc nghẽn lưu thông hàng hóa mà DN gặp phải là phát sinh ngoài địa bàn. Vì vậy, TP sẽ kiến nghị Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất” - bà Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ với khó khăn của các DN trong việc thực hiện “3 tại chỗ” khi bị dịch xâm nhập và phát sinh ca nhiễm, vị Phó Chủ tịch UBND TP cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các quận, huyện trong việc triển khai, kiểm tra kết quả test nhanh Covid-19 cho DN.
Bởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện nay đã cho phép DN được tự mua dụng cụ kiểm tra nhanh Covid-19 (được Bộ Y tế cấp phép) cho người lao động trong DN nhằm bảo đảm an toàn sản xuất.
“Riêng về vấn đề kiểm soát dịch bệnh tại DN, thành phố cũng như Bộ Y tế đã cho phép DN tự mua dụng cụ kiểm tra nhanh được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu.
Nếu đoàn kiểm tra của quận, huyện không chấp nhận kết quả kiểm tra thì DN phản ánh, lãnh đạo TP sẽ xử lý nghiêm. Trường hợp DN sản xuất phát sinh F0 thì liên hệ cơ quan chức năng, để được hỗ trợ bóc tách F0, đồng thời tái lập sản xuất ngay sau khi xử lý khử khuẩn hoặc thay thế bằng lực lượng nhân viên mới” - bà Thắng nhấn mạnh.
Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, không tập trung quá đông người, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với các quận, huyện, Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhanh chóng thiết lập đầu mối phân phối hàng hóa tại từng quận, huyện, đồng thời kết nối trực tiếp với DN sản xuất lương thực, thực phẩm, để cung ứng cho khu dân cư và người dân khi có nhu cầu, hạn chế thấp nhất việc thiếu hụt nguồn cung.