Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp sáng nay 28/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết, từ 1/1/2017 những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được tổ công tác đặc biệt của thành phố giải quyết trong 1 lần.
Giới doanh nhân Hà Nội đã bày tỏ nhiều khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh.
Ông Đỗ Quang Hiển - Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - cho biết: Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết được.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ 51%, cổ đông ngoài nắm giữ 49%, cổ phần hóa nhưng quản trị điều hành không thay đổi, chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc…vẫn là người cũ, được chỉ định.
Điều này gây ra tâm lý e ngại của doanh nghiệp tư nhân khi bỏ vốn đầu tư. Việc đổi mới doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đạt.
Lãnh đạo Hà Nội đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp
“Các chương trình xúc tiến thực hiện không thiết thực, không trúng và đúng yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông Hiển nói.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart - cũng bày tỏ: “Theo Thông tư 11 của Bộ Khoa học Công nghệ về việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu đang gây ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp. Mỗi một lần nhập khẩu thiết bị, doanh nghiệp phải đưa đi kiểm định hai nơi.
“Những thiết bị lạnh rất nặng nhưng chúng tôi phải thuê cẩu bưng lên, hạ xuống, 16 nhân viên khiêng lên phòng kiểm định. Sau khi kiểm định ở Hoàng Quốc Việt lại cẩu lên xe đưa ra bên khu Nam Thăng Long. Chi phí vận chuyển, kiểm định mất 30 triệu, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp” - Bà Hậu nói.
Trước ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ đầu năm 2016, thành phố đã nhận ra đã biết doanh nghiệp phải qua 3 - 5 vòng mới xong các thủ tục.
Tới đây tôi cam kết chỉ còn 1 vòng. Từ ngày 1/1/2017 tổ công tác đặc biệt sẽ ra đời gồm các chuyên viên của các sở, và chuyên viên của UBND thành phố ngồi tại bộ phận một cửa của UBND thành phố” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Đối với những vướng mắc trong cổ phần hóa, thành phố đã trình Chính phủ đề án cổ phần hóa doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có 3 nội dung đáng chú ý:
Rút hết vốn ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ; Những doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ 20 - 30% cổ phần cũng sẽ cổ phần hóa hết vì giữ lại vài chục phần trăm vốn cũng không giải quyết được gì; Sẽ đấu giá đất đai khi cổ phần hóa để xác định giá trị doanh nghiệp.
Ông Chung cũng thừa nhận việc tổ chức xúc tiến đầu tư đưa các doanh nghiệp của Hà Nội, trong nước đi tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, triển lãm trên địa bàn Hà Nội, đi nước ngoài trong thời gian vừa qua thực sự là không hiệu quả.
“Việc đi nước ngoài chủ yếu là đi xem và xúc tiến. Kết quả ký kết các hợp đồng thương mại sau các hội chợ còn thấp hơn số tiền chúng ta bỏ ra để xúc tiến đầu tư. Chúng tôi đã nhận thức ra vấn đề này và đưa ra hướng quỹ xúc tiến đầu tư này sau này sẽ cơ cấu lại” - Ông Chung cho hay.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết: Từ tháng 8/2016, thành phố đã hợp tác với CNN và quyết định chi mỗi năm 1 triệu USD để giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh trên kênh truyền hình CNN.
Tán thành chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt của thành phố, Giám đốc Công ty Công nghiệp Đông Hưng cho rằng, tổ công tác đặc biệt của thành phố không nên chỉ “ngồi một chỗ” để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp mà nên xuống tận cơ sở để tìm hiểu thực tế hoạt động của doanh nghiệp, xem khó khăn ở đâu, như thế nào.
Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc thành lập tổ công tác đặc biệt cũng chỉ là thí điểm và phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ.
Chủ tịch khẳng định sẵn sàng gặp và tiếp các doanh nghiệp để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị. Trước mắt có thể trao đổi qua email, nếu vẫn chưa thỏa mãn thì có thể gặp trực tiếp Chủ tịch để trao đổi.