1 buổi sáng 3 trận động đất
Theo thông báo từ Trung tâm Báo tin Động đất cả Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, 8 giờ 18 phút, ngày 25/11, trận động đất 5,4 độ richter đã xảy ra tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Tiếp đó, 10 giờ 51 phút, thêm một trận động đất kích thích. TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, trận động đất thứ hai này mạnh 3,8 độ richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Trận động đất này đã kéo theo dư chấn gây rung lắc tại Hà Nội. Theo đó, người dân ở một số khu vực nội thành như Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội) cho biết họ đã cảm nhận sự rung lắc mạnh, nghi do dư chấn của động đất. Hiện tượng rung lắc trên cũng xuất hiện ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Một số tỉnh như Lạng Sơn, Hải Dương... cũng ghi nhận có rung lắc. Hiện tượng rung lắc mạnh trên diễn ra 2 - 3 lần, thậm chí gây lở đá.
Trận động đất ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc xảy ra lúc 12 giờ 31 phút mạnh 2.8 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (cách huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng khoảng 1,6 km). Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Chấn tiêu càng nông, vùng ảnh hưởng càng lớn
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp hứng chịu rung chấn từ các trận động đất. Đầu tiên là trận động đất ở Lào ngày 21/11. Trận động đất 6,1 độ richter ở Lào là một trận động đất khá mạnh nên Hà Nội dù cách rất xa cũng cảm nhận rõ rung chấn. Tiếp đó là 3 trận động đất liên tục xảy ra vào ngày 25/11.
TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, việc người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận cảm nhận được rung lắc là bình thường. Có những trận động đất mạnh thì cách hàng nghìn km vẫn cảm nhận được rung lắc.
Tuy nhiên, vùng ảnh hưởng, thiệt hại thì không lan xa đến thế. Đây là kiểu dao động con lắc, không phải rung chấn trực tiếp nên ảnh hưởng ít, thiệt hại gì không đáng kể. Trong quá khứ có những trận động đất cách xa hàng nghìn km như trận động đất ở Mianma nhưng người dân Hà Nội cũng cảm nhận được rung lắc.
Theo các chuyên gia, vùng ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào độ sâu chấn tiêu của vùng phát sinh động đất. Độ sâu chấn tiêu lớn nhất trong từng đới đứt gãy không giống nhau. Ở vùng Sông Mã – Sơn La, độ sâu chấn tiêu lớn nhất đã ghi nhận được là 25 – 30 km. Vùng sông Hồng – sông Chảy, sông Cả độ sâu chấn tiêu lớn nhất không vượt quá 25 km. Các vùng sông Đà, Lai Châu, Điện Biên, độ sâu chấn tiêu lớn nhất là 20 km.
Độ sâu chấn tiêu trong từng đới ít có sự thay đổi. Độ sâu chấn tiêu càng nông thì vùng ảnh hưởng càng lớn. Độ sâu chấn tiêu nông, cộng với cường độ cao thì sức tàn phá sẽ càng khủng khiếp. Không có một công thức chung về việc một trận động đất mạnh bao nhiêu thì vùng ảnh hưởng sẽ rộng như thế nào.
“Hiện ở Việt Nam đang nằm trong chu kỳ an toàn. Nghĩa là khả năng xảy ra các trận động đất lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản là rất nhỏ. Theo tài liệu về các đứt gãy thì hiện không có bất thường”, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.
Hà Nội chưa có kịch bản ứng phó động đất
Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy. Đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1 - 5,5 độ richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285).
Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La. Có thể nói động đất ở Hà Nội nếu có xảy ra thì cường độ cũng không lớn. Trên đứt gãy này thì cường độ lớn nhất không vượt quá 6 độ richter.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, đứt gãy sông Hồng, sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, kéo dài đến Việt Nam. Đây không phải là đới đứt gãy lớn. Theo tính toán của các nhà khoa học, lớn nhất cũng chỉ khoảng 6 độ richter trở lại. Với cường độ này thì các trận động đất không gây ra thiệt hại lớn.
Trong lịch sử không có động đất mạnh gây thiệt hại, lại đang trong chu kỳ “ngủ”, nên đến nay chưa có kịch bản động đất cho Hà Nội. Tuy nhiên từ những năm 1980, các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng đã tính toán, phân vùng động đất cho Hà Nội. Sau này hoạt động tính toán phân vùng động đất vẫn được thực hiện để phục vụ xây dựng các công trình cao tầng.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, khi tự thiết kế và xây dựng nhà ở, người dân nên chú ý, nếu mở cửa sổ, cửa đi quá lớn so với kích thước mảng tường khi xây dựng sẽ làm yếu khả năng chịu lực của mảng tường. Không nên làm kiểu lệch tầng. Nhà hình chữ L, chữ U thường bị phá hoại khi có động đất do tập trung ứng suất ở các góc. Hoặc có một điều rất đáng lưu ý là hiện nay nhiều gia đình thường cắt bỏ dầm trần ở những phòng cần trang trí khiến cho khung bê tông có độ cứng không đồng đều, khả năng chịu lực kém.