Nó được thiết kế bám vào trụ sắt vững chãi, có thể dịch chuyển lên xuống tương ứng mực nước dâng.
Nhà leo trụ thép
Cha đẻ của thiết kế “nhà leo” chống lũ ở Hà Lan là Koen Olthuis (SN 1971), kiến trúc sư kiêm người sáng lập Waterstudio (năm 2003) – công ty chuyên nhà nổi công nghệ cao. Từ thời sinh viên theo học ngành kiến trúc và thiết kế công nghiệp tại Đại học Công nghệ Delft (Nam Hà Lan), Olthuis đã đặc biệt quan tâm các dạng công trình nổi ứng phó nước biển dâng.
Địa hình Hà Lan thuộc dạng trũng nhất thế giới. Khoảng một nửa nhà ở tại đây được xây dựng trên nền đất thấp bằng hoặc dưới mực nước biển. Mỗi khi có mưa gió, người dân lại phải đối mặt với lũ lụt. Dù đã quen với nước dâng, họ gặp nhiều rắc rối với chỗ ở bị nước ngâm.
Từ xa xưa, người Hà Lan đã ước mơ “nhà như thuyền”, có thể nổi lên và hạ xuống theo lũ. Tuy nhiên, khác với thuyền, nhà cần ở yên một chỗ, không được trôi tự do. Olthuis nghiền ngẫm lâu ngày và đột ngột nảy ra ý tưởng “nhà leo”.
Nếu thuyền cần mỏ neo để đứng yên thì nhà nổi cần cột cố định. Olthuis thiết kế trụ thép siêu vững, đào hố chôn sâu 65m và gia cố bằng các vật liệu hấp thụ xung kích, nhằm giảm rung động khi bị sóng đánh.
Nhà chống lũ của Olthuis có bề ngoài tương tự như bất cứ căn hộ xây trên đất liền nào. Thường thì, chúng nền vuông, cao 3 tầng, vật liệu gỗ, thép, kính… và kết nối điện, nước, gas đầy đủ. Khác ở chỗ, nền nhà leo tương tự lòng thuyền, sẵn sàng rời mặt đất. Cùng với trụ thép cho phép dịch chuyển lên xuống, nó chỉ việc “trèo lên” khi nước dâng và tụt xuống khi nước rút.
Tính đến nay, Olthuis đã thiết kế 300 công trình nổi, bao gồm nhà ở, văn phòng, trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe.
Thành phố nổi
Với nguyên lý hoạt động quá đơn giản, Olthuis kỳ vọng ứng dụng xây “thành phố leo”. Đặt trong bối cảnh Hà Lan, đây không phải tham vọng quá xa vời. Ít nhất, thủ đô Amsterdam cũng đang có gần 3 nghìn nhà thuyền.
Chúng là các Schoonschip, thiết kế hệ thống nhà nổi do Công ty Space & Matter thực hiện. Một Schoonschip gồm 30 nhà nổi, kết nối với nhau bằng cầu. Mỗi ngôi nhà được trang bị một máy bơm, phần nóc chia đôi – nửa trồng cây cối, rau xanh, nửa lắp các tấm pin mặt trời.
“Đối với chúng tôi, sống trên mặt nước là chuyện bình thường”, Marjan de Blok – người khởi xướng dự án Schoonschip cho biết. Với kiểu “tiểu khu nhà nổi” này, các cư dân thoải mái sống chung với lũ. Họ chia sẻ với nhau mọi thứ, từ điện – nước đến phương tiện di chuyển, nông phẩm, thực phẩm…
Tại Rotterdam, nơi 90% mặt đất thấp dưới mực nước biển, người Hà Lan còn thiết lập cả trang trại nổi. Họ đặc biệt đề cao các sáng kiến công trình nổi, sẵn sàng thử nghiệm và ứng dụng bất cứ ý tưởng khoa học khả quan nào. “Suốt 15 năm qua, chúng tôi nỗ lực tái tạo thành phố. Thay vì nhìn nước như kẻ thù, chúng tôi xem nó là cơ hội”, Arnoud Molenaar – Giám đốc chương trình phục hồi thành phố Rotterdam chia sẻ.
Gần đây, các công ty Hà Lan chuyên nhà nổi nhận được nhiều sự quan tâm từ nước ngoài, ví dụ như Blue21. Họ “thầu” được dự án hệ thống đảo nổi biển Baltic “khủng” cho 50 nghìn người ở, kết nối với Helsinki (Phần Lan) và Tallin (Estonia) bằng đường hầm dưới nước trị giá 15 tỷ euro.
Công ty Waterstudio cũng nhận được việc giám sát dự án phát triển thành phố nổi ở Maldives (Nam Á). Đó là hệ thống nhà trên biển giá cả phải chăng, cho khoảng 20 nghìn người.
“Bây giờ, nhà nổi không còn là ước mơ điên rồ nữa. Chúng ta đang thành công tạo dựng các cộng đồng nổi xanh và nước đóng vai trò như nền móng”, Olthuis tự hào.
Vẫn có nhược điểm
Trong thời đại nóng lên toàn cầu, mục tiêu trước mắt của Hà Lan không phải “chống nước dâng” mà là “thích nghi với lũ”. Dự tính, trong vòng 10 năm tới, đất nước này cần thêm khoảng 1 triệu ngôi nhà mới, gây áp lực lớn lên quy hoạch đất đai. Họ cần đa dạng nhà nổi để ứng phó tình hình.
Có điều, nhà nổi không phải chỉ toàn thuận lợi. Dù bất chấp nước dâng, nó không khác con tàu thả neo giữa giông tố khi gặp điều kiện thủy văn khắc nghiệt.
“Lúc trời đang bão, tôi không dám lên tầng ba vào bếp nấu ăn vì nó chao đảo ghê lắm” - Siti Boelen, cư dân sống trong Schoonschip cho biết. Tuy đã quen với “say nhà thuyền”, Boelen vẫn sợ lỡ đâu gặp chuyện nguy hiểm hơn.
Nhà nổi cũng cần được kết nối với các cơ sở hạ tầng như lưới điện, cống rãnh thoát nước… Nó đồng nghĩa với việc hao tốn chi phí lắp đặt vô cùng. Dù vậy, vì tương lai ngập lụt không thể tránh, người Hà Lan chấp nhận đầu tư.