Thành lập nhóm Zalo “đa cấp”
Bà Lý Thị Trung Hòa – Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng (Sở GD&ĐT Cao Bằng) cho hay: Hơn 9.000 thí sinh của tỉnh đã hoàn tất khâu đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, Hệ thống hoạt động tốt, hỗ trợ thí sinh đầy đủ trong quá trình đăng ký và không có hiện tượng quá tải hay lỗi kỹ thuật xảy ra.
Theo kế hoạch phân luồng của Bộ GD&ĐT, từ 00 giờ ngày 24/8 đến 17 giờ ngày 26/8, thí sinh thuộc tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học. Sở GD&ĐT tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để thí sinh hoàn thành quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Tính đến 17 giờ ngày 24/8, có trên 1.300 số nguyện vọng đã được thanh toán. Số nguyện vọng chưa thanh toán là trên 5.000.
“Chúng tôi đã thành lập các nhóm Zalo liên thông, “đa cấp”. Cụ thể, thành lập nhóm Zalo để kết nối giữa sở GD&ĐT đến các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của các trường THPT. Các cán bộ này sẽ thành lập nhóm Zalo với giáo viên chủ nhiệm (ứng với mỗi trường). Bằng hình thức này, các chủ trương, kế hoạch và thông tin về tuyển sinh sẽ được lan tỏa đến từng thí sinh” – bà Hòa chia sẻ.
Cũng theo bà Hòa, trước ngày hết hạn nộp lệ phí, nếu thí sinh chưa nộp sẽ được cán bộ phụ trách công nghệ truy vết tài khoản và gửi đến giáo viên chủ nhiệm của thí sinh đó. Giáo viên chủ nhiệm sẽ là “chuông báo thức”, có trách nhiệm nhắc nhở trò hoàn tất quy trình thanh toán.
“Trước đó, phương pháp này đã phát huy hiệu quả trong quá trình đăng ký xét tuyển. Nhờ đó, 100% thí sinh của tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đăng ký đúng thời gian quy định” – bà Hòa thông tin, đồng thời cho hay: Với đặc thù là vùng núi nên đường truyền Internet có thể không được trơn tru. Do đó, sở GD&ĐT đã yêu cầu 30/30 trường THPT mở phòng máy có kết nối Internet ổn định, chất lượng tốt, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi các em gặp khó khăn. Qua nắm bắt, 100% cơ sở giáo dục đã mở cửa phòng máy, sẵn sàng chào đón, hỗ trợ thí sinh khi cần.
Theo kế hoạch, từ 00 giờ ngày 27/8 đến 17 giờ ngày 29/8, thí sinh của tỉnh Bình Định thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống. Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc sở GD&ĐT nhấn mạnh, dù chưa đến ngày nhưng sở đã chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thanh toán lệ phí theo hình thức trực tuyến.
Ông Tuấn khẳng định, Hệ thống hoạt động tốt nên gần 18.000 thí sinh của Bình Định đã hoàn tất khâu đăng ký nguyện vọng xét tuyển. “Đây là cơ sở, tiền đề để chúng tôi tự tin vào việc thí sinh sẽ thuận lợi khi nộp lệ phí trực tuyến” – ông Tuấn nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Để đồng hành, hỗ trợ thí sinh, sở đã cử 3 nhân sự thuộc Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng trực hằng ngày, sẵn sàng giải đáp và tháo gỡ khó khăn cho thí sinh khi cần.
“Chúng tôi cũng yêu cầu trường THPT trên địa bàn, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các em trong quá trình nộp lệ phí xét tuyển. Ngoài ra, để đảm bảo mọi thí sinh thực hiện được giao dịch, các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ trong việc phổ biến, hướng dẫn cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống; nhắc nhở thí sinh chuẩn bị các điều kiện để tham gia thanh toán trực tuyến theo tài liệu hướng dẫn” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. |
Không để đến “phút chót”
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, đây là năm đầu tiên tổ chức thu lệ phí xét tuyển trực tuyến. Để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có), thí sinh không để đến sát thời gian hết hạn mới nộp lệ phí… Trước 17 giờ ngày 31/8/2022, thí sinh hoàn thành việc thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh đã thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống có thể sử dụng hạ tầng công nghệ để thực hiện các bước tiếp theo trong công tác tuyển sinh. Ngoài ra, ở các trường THPT, thầy, cô giáo vẫn tiếp tục trực, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi gặp vướng mắc về công nghệ thông tin khi nộp lệ phí xét tuyển.
Để bảo đảm quyền lợi, không có thí sinh nào không thực hiện được giao dịch thanh toán trực tuyến, Bộ đề nghị các sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo cơ sở giáo dục và có biện pháp phù hợp bảo đảm việc thanh toán trực tuyến của thí sinh được thông suốt, an toàn.
Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đồng thời viện dẫn: Các sở chỉ đạo trường THPT chuẩn bị sẵn sàng và chủ động triển khai công tác hỗ trợ thí sinh trong việc phổ biến, hướng dẫn cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống. Đồng thời nhắc nhở các em chuẩn bị sẵn sàng điều kiện tham gia thanh toán trực tuyến theo tài liệu hướng dẫn. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp không thể tự thực hiện, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thí sinh được lựa chọn một trong 15 kênh thanh toán để thực hiện đóng lệ phí xét tuyển, bao gồm: Các ngân hàng như Vietcombank; Vietinbank; Agribank; BIDV; SHB; VPBank. Các tổ chức trung gian thanh toán: Các ngân hàng khác qua VNPT Money; Ngân lượng; KeyPay; Payoo; Napas (sau mỗi đầu mối này bao gồm hầu hết các ngân hàng đang hoạt động ở Việt Nam). Riêng kênh Payoo chỉ cho phép giao dịch khi số tiền không nhỏ hơn 100.000 đồng). Các ví điện tử: VNPT Money; Momo; Viettel Money và kênh thanh toán di động: VNPT Mobile Money.