Càng xúc động hơn khi biết cô giáo Đinh Thị Chung - Phó Hiệu trưởng, trong quá trình mang thai đã không giữ được thai nhi trên đường đến trường. Qua lời kể của bạn bè, đồng nghiệp của cô, mới thấy hết được nghị lực phi thường của các thầy, cô giáo ở đây giúp nhau trong hoạn nạn.
Không quản hiểm nguy để đến trường
Phải nén những dòng nước mắt vào trong và những cơn nấc cụt, chợt òa khóc trong quá trình kể chuyện, cô Đinh Thị Chung mới kể được cho chúng tôi nghe về những ngày sau mưa lũ xảy ra và nỗi đau mất con của cô. Sau khi cơn lũ tháng 8 đi qua, các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học An Lương phải nhanh chóng vào trường để chuẩn bị những điều kiện cho năm học mới. Ngày thường, việc đi xe máy vượt hơn 24 km đến trường là chuyện thường. Nhưng sau lũ, đường bị sạt lở, không thể đi xe máy được, các cô phải đi bộ, trèo dốc, lội suối hơn 17 km. Đường đi khi ấy đã vất vả đối với người thường, với người đang mang thai lại càng nguy hiểm, vất vả hơn. Khi ấy cô Chung đã mang thai gần 5 tháng.
Bạn ở cùng phòng nhà công vụ tại trường là cô Hà Thị Huyền, cùng đi hôm ấy kể thêm, chúng tôi phải lội bộ trên đường trơn ướt để đến trường. Đường xa, một người bụng mang, dạ chửa gần 5 tháng như cô Chung rất mệt mỏi; tiếng thở phì phò nhưng cô cố giấu đi, gắng sức, không tỏ ra mệt mỏi để khỏi ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người cùng đi. Ai cũng nóng lòng sớm đến trường để chuẩn bị cho việc trường – khai giảng năm học. Xuất phát từ sáng sớm nhưng khi đến trường, trời đã tối, ngày hôm sau là Phó Hiệu trưởng, cô Chung vẫn đi thăm hỏi, động viên người dân bị mưa lũ cuốn mất nhà cửa.
Cô Chung cho biết: Khi đến trường đã thấy đau bụng rồi nhưng chỉ nghĩ là triệu chứng bình thường. Ngày hôm sau, khi đi thăm các hộ dân bị thiệt hại do lũ, thì thấy đau bụng, đi tiểu ra máu. Khi ấy cô mới dám nói với cô Huyền về triệu chứng động thai của mình. Cô Huyền một mặt thì động viên cô, nhưng mặt khác, cô gọi y tá của trường, gọi y tế thôn bản có nhiều kinh nghiệm dân gian về thuốc an thai đến để tham khảo ý kiến. Các bà mẹ là phụ huynh quanh trường biết chuyện của cô Chung cũng tìm mọi cách để cứu chữa cho cô. Có người đi tìm thuốc theo kinh nghiệm dân gian về sắc ngay cho uống với hy vọng là giữ được thai cho cô giáo. Tuy nhiên mọi cố gắng của mọi người đều vô vọng, triệu chứng không giảm mà còn đau thêm.
Những nhà giáo hết lòng vì đồng nghiệp
Biết chuyện, Hiệu trưởng nhà trường – thầy Nguyễn Quang Diện liền quyết định ngay sáng ngày hôm sau phải đưa cô về thị xã chữa bệnh. Tuy nhiên, nước ngập trong ngoài, đường sá thì hỏng hết cầu cống, gần 20km không có phương tiện nào đi được. Nằm trong phòng nghỉ ngơi, cô Chung vẫn nghe láng máng các thầy hội ý để đưa cô về bệnh viện thị xã chữa chạy cho qua cơn hiểm nguy. “Phải cáng bộ thôi” – Tiếng thầy Diện nghe rõ ràng, dứt khoát như một quyết định cuối cùng. Thế là ngay lập tức, người tìm võng, người tìm tre để cáng, người lấy chăn và vật dụng cá nhân mang theo. “Thương mọi người lắm, thương bản thân không giữ được đứa trẻ, càng thương mọi người hơn khi bản thân không giúp gì được cho trường trong lúc bộn bề công việc mà lại trở thành gánh nặng” – Nói đến đây, nước mắt cô Chung cứ tuôn ra, không kìm nén được cảm xúc.
Thầy Nguyễn Quang Diện chia sẻ: “Sự việc hôm ấy là rất cấp bách, các điều kiện ở trường và trung tâm y tế xã không đủ cứu chữa những ca như vậy. Do vậy, tôi cùng với anh em trong trường, nhờ thêm lực lượng dân quân địa phương cáng cô Chung ra đến nơi xe có thể đón. Đường đi rất khó khăn, khi thì cáng, khi thì đi bộ cõng bệnh nhân. Cáng luôn có hai người khiêng và hai người đỡ bên cạnh. Khi đường lên xuống, xuống dốc, lội qua suối thì phải cõng, người cõng bệnh nhân đã đành còn phải người đi bên cạnh để dìu, làm chỗ níu cho vững để đảm bảo sức khỏe cho cô Chung.
Cô Chung nhớ mãi cảm xúc và hình ảnh khi nằm trên cáng được mọi người cáng về bệnh viện thị xã. 8 thầy đi ủng, thay nhau khiêng cáng đưa cô đi; Thầy hiệu trưởng đi đầu tiên, áo ướt sũng mồ hôi. Thầy Thượng, nhân viên y tế thì cởi trần để khiêng cáng. Chiếc cáng và đoàn người đi rất nhanh, làm sao đến viện sớm nhất. Đường trơn ướt nhưng mọi người cùng cố vì sự an nguy của mẹ con cô. Ai cũng muốn thay người đang khiêng cáng, chồng cô đi cạnh cáng cùng với các cô giáo thay nhau động viên để tâm lý cô được thoải mái. Nhiều lúc cô đau bụng quá, phải dừng lại dọc đường để nghỉ cho khỏe lại mới đi tiếp được. Cơn đau cứ quặn lên nhưng cô cắn răng chịu, không dám kêu vì sợ chồng, các thầy lo lắng cho mình. Nhưng cô không nói thì cả đoàn cũng biết là cô đang vật lộn với những cơn đau nên càng muốn đi nhanh hơn. Vượt đường bộ gần 1 ngày mới ra được chỗ xe đón. Nhưng khi đến viện, các bác sĩ cũng không cứu được cái thai trong bụng cô giáo.
Lo lắng nhất có lẽ là cô Huyền. Cô chia sẻ: Chị em ăn ở cùng nhau đã lâu, chuyện gì cũng chia sẻ với nhau. Cô Chung là giáo viên giảng dạy tại trường lâu năm rồi. Là giáo viên tâm huyết, tuy bụng mang, dạ chửa nhưng cô vẫn cùng đồng nghiệp vượt qua quãng đường khó khăn để đến trường chuẩn bị, những mong năm học mới của trẻ được chu đáo từ chỗ ăn, chỗ ngủ. Thế nhưng chuyện xảy ra bất ngờ làm cho chị em trong trường vừa cảm thông, vừa xót thương.
Về phần gia đình, cô Chung cho biết: Bố mẹ thương cô lắm. Nhất là mẹ chồng cô thương con dâu trong hoàn cảnh mưa lũ, nhà xa trường mà đường đi bị sạt lở, ngày nắng đi đã khó còn ngày mưa. Bây giờ cầu cống sập hết rồi không biết đến trường bằng cách nào. Khi cô trở về từ bệnh viện với những giọt nước mắt, ông bà thương con dâu lắm. Vốn cũng là giáo viên dạy vùng cao, họ chia sẻ cũng giúp cô vơi đi nỗi đau vừa mất đứa con trong bụng… “Chính sự đùm bọc của gia đình, của tập thể sư phạm nhà trường và nhất là các nữ nhà giáo, ngày ngày động viên đã xoa dịu dần sự mất mát lớn lao để bản thân yên tâm công tác” - cô Chung chia sẻ.