Trong suốt cuộc đời làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện nay tại Hội BVTN&MT Việt Nam, GS Đặng Thị Kim Chi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được giao nhiều trọng trách.
Thời kỳ làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ, Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Giáo sư đã làm chủ nhiệm và tham gia 35 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 61 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế (về “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”).
Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: “Việt Nam - Môi trường và cuộc sống”, “Giáo trình kinh tế chất thải”, chủ biên cuốn “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”, “Hoá học môi trường”…
Một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của GS.TS Đặng Thị Kim Chi là môi trường làng nghề. Điển hình như: Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam” do bà chủ trì, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, mở ra hướng nghiên cứu mới về môi trường ở Việt Nam.
Đó là nghiên cứu, cải thiện môi trường tại các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nằm trong vùng nông thôn với đặc điểm riêng về truyền thống văn hoá, xã hội tồn tại ở quy mô làng, xã còn gắn với sản xuất nông nghiệp và hệ tư tưởng của người nông dân.
Đây sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường cho những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, phù hợp với đặc điểm và điều kiện xã hội của Việt Nam.
Từ kết quả của đề tài, vấn đề môi trường làng nghề đã được quan tâm hơn trước rất nhiều. Gần đây, Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, Đề án Kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)… đều tham khảo, sử dụng kết quả của đề tài hoặc trực tiếp mời các nhà khoa học của đề tài tham gia.
Đặc biệt, đề tài đã đưa ra các mô hình cải thiện môi trường có thể áp dụng cho 4 loại làng nghề phổ biến ở Việt Nam là tái chế giấy, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm.
Những mô hình này đã được phổ biến cho bà con ở một số làng nghề, giúp giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và xử lý chất thải ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.