GS Võ Tòng Xuân: Ký ức đẹp về thầy cô, mái trường là hành trang vững chắc

GD&TĐ - Giáo sư Võ Tòng Xuân luôn nhớ về những thầy cô giáo, mái trường và thời đi học. Nay đã ở tuổi “bát tuần”, nhưng ký ức về thầy cô, về quá trình học tập và duyên với giáo dục vẫn còn cháy bỏng trong ông…

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Quốc Ngữ
Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Quốc Ngữ

Vẹn nguyên hình ảnh thầy cô

Hơn 75 năm trước, cậu bé Võ Tòng Xuân rời vùng quê Ba Chúc (An Giang) theo gia đình đến Sài Gòn vừa mưu sinh, vừa học tập. Sau này, ông trở thành Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động. Ông là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, một người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên, là “cha đẻ” nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng cái duyên với giáo dục luôn gắn bó với ông. Giờ đây bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, ông còn dành thời gian, tâm huyết cho trường mầm non ở TP Long Xuyên (An Giang).

Nói về thầy cô giáo, trong mắt Giáo sư Võ Tòng Xuân ánh lên niềm tự hào, lòng kính trọng. Ông kể, do hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà rời Ba Chúc (An Giang) theo cha lên Sài Gòn mưu sinh. Dù gia đình khó khăn nhưng ông được ba má cho đi học đàng hoàng. “Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên vào lớp 1, năm 1946 ở Trường Tiểu học Cầu Kho (nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đó cũng là ngày đầu tiên tôi được má đưa đi học, vào đến lớp, tôi khóc như mưa!”.

Chính hình ảnh đầu đời đi học, được thầy cô giáo động viên đã trở thành ký ức không thể nào quên của cậu học trò nhỏ. “Tôi nhớ mãi hình ảnh cô giáo ân cần đón tôi vào lớp, vỗ về cho tôi nín. Cô nói: Trò thấy các bạn ngồi học nghiêm túc chưa, mau nín để cùng học với các bạn. Thấy vậy tôi nín khóc, bắt đầu mở ra trang sách đầu tiên của đời học sinh với bao khó khăn, vất vả”, Giáo sư Võ Tòng Xuân kể.

Trong ký ức của ông, những năm cuối thập niên 1940 còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái ăn đã khó nói chi đến quần áo mới, tập vở, sách. Tuy nhiên, thầy cô luôn đồng cảm, yêu thương học trò, tuy vậy cũng rất nghiêm khắc. Lớp học chỉ có một giáo viên dạy từ đầu cho đến cuối năm nên trò nào tính tình ra sao, hoàn cảnh thế nào, thầy cô biết rõ… Ngày lễ, Tết không có lễ lộc gì, không có bông hoa hay phát biểu mà chỉ có thầy cô giáo đón học sinh vào lớp.

Bài học là những lời dạy bảo của thầy cô về đạo đức, lối sống và lòng yêu người. Quyển “Giáo khoa thư” đã trở thành người bạn quen thuộc của tất cả thế hệ học trò thời đó. Sách chỉ ngắn gọn mấy dòng thơ, mấy dòng đồng dao, văn xuôi nhưng chứa đựng trong đó bao ý nghĩa về cuộc sống, giá trị đạo đức, kỹ năng sống… Thầy cô giáo cũng không bị bó buộc bởi sách giáo khoa mà từ quyển Giáo khoa thư có thể mở rộng giảng dạy nhiều vấn đề thiết thực ngoài đời.

Một trong những kỷ niệm đẹp được ông nhớ mãi là năm lên lớp đệ tứ (lớp 9), được thầy Đỗ Thiếu Lăng dạy Việt văn cho về nhà ở nhờ. Mỗi tuần 3 lần, thầy dạy thêm Hán văn bằng sách Minh tâm bửu giám.

“Cuộc đời học tập của tôi phải học nhiều nơi, phải chuyển trường theo gia đình nhưng ký ức về thầy cô luôn là kỷ niệm đẹp, mỗi lứa tuổi học trò đều có trải nghiệm khác nhau. Dù trưởng thành, đi học, làm việc ở nước ngoài nhưng đến ngày Nhà giáo Việt Nam trong lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi vì những ký ức đẹp thời học sinh không thể nào quên”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

GS Võ Tòng Xuân trong lần đến châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa chiến thắng giặc đói. Ảnh: NVCC
GS Võ Tòng Xuân trong lần đến châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa chiến thắng giặc đói. Ảnh: NVCC 

Đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước

GS Võ Tòng Xuân kể, từ nhỏ ông lên Sài Gòn tự lập để phụ cha mẹ nuôi các em và để có tiền đi học. Bản thân từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi. Đến khi học thành tài, ông luôn tâm niệm: “Tôi xác định mục đích sống cho đời mình là phải đem hết tri thức để đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở thành những người chủ giàu có”. Chính vì mục đích đó mà ông đã quyết định quay về Việt Nam ngay sau khi trình luận án Tiến sĩ nông học ở Nhật Bản, hôm đó chỉ cách 30/4/1975 có 28 ngày.

Mười năm đầu sau ngày hòa bình, hoạt động khoa học của GS Võ Tòng Xuân với vai trò là Hiệu phó Đại học Cần Thơ gắn liền với sự phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng châu thổ, đặc biệt là phát triển nông thôn, thực hiện mục tiêu đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất. Vừa làm khoa học, GS Võ Tòng Xuân vừa dành tâm huyết cho Giáo dục, tâm huyết xây dựng Đại học Cần Thơ rồi đến Đại học An Giang. Ông còn được mời tham gia thành lập Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Tân Tạo, Đại học Nam Cần Thơ…

GS Võ Tòng Xuân chia sẻ, hưu về chức vụ, nhưng chuyên môn đâu có nghỉ hưu. Còn sáng suốt và khỏe mạnh thì còn đóng góp được cả ở trong và ngoài nước. Nhiệm vụ tư vấn khoa học vẫn tiếp tục, vì người ta không giới hạn tuổi tác… Với tâm huyết đó, dù tuổi đã “bát tuần” nhưng ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

“Tôi phải học rất căn bản và không ngừng tự cập nhật kiến thức. Tôi truyền đạt cho những cộng sự của tôi, không giấu ai kỹ thuật gì. Khi kiến thức mở mang, mình có thể thấy trước những gì mà người thường chưa thấy. Dĩ nhiên đừng bảo thủ, mà trái lại, luôn có sáng kiến mới, rồi truyền đạt nội dung, phương pháp thực hiện. Quan trọng là cần phải được đào tạo căn bản, sâu và rộng để thấy được cái mới. Không có sáng kiến mới thì không thể cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu...” - GS Võ Tòng Xuân nói.

Ở tuổi 81, lịch làm việc của GS Võ Tòng Xuân vẫn luôn dày đặc với vai trò quản lý một trường đại học, nghiên cứu, tư vấn nông nghiệp, tham gia các hội nghị, hội thảo… Ông chia sẻ: “Dù ở cương vị nào, tôi vẫn dốc toàn tâm, toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực cho vùng sông nước cho đến khi nhắm mắt”.

TS.GS. NGND Võ Tòng Xuân sinh năm 1940, quê quán huyện Tri Tôn, An Giang. Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư nông học (1980), Anh hùng Lao động (1985), Nhà giáo Nhân dân (1999). Ông là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền: VII, VIII, IX. GS hiện là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.