Đó là chia sẻ của Giáo sư Võ Tòng Xuân về chủ trương xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa cho Chương trình GDPT mới.
Mạnh dạn giao các nhà xuất bản biên soạn SGK
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Chương trình Giáo dục phổ thông cũ vẫn còn nặng nề, cần giảm tải. “Rất may GS Nguyễn Minh Thuyết đã cùng nhóm các giáo sư đầu ngành và các cộng sự đã biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi rất mừng, đây là sự tiến bộ của chúng ta” - Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Để triển khai có hiệu quả chương trình này, theo GS Võ Tòng Xuân, cần phải có bước chuẩn bị thực hiện đầy đủ và chu đáo. Rất cần thực hiện:
(1) Hoàn chỉnh Bộ Chuẩn kiến thức (Standards of Knowledge) của tất cả các môn học từ Mầm non - Mẫu giáo đến lớp 12 của Chương trình GDPT mới để cho các Nhà xuất bản tổ chức soạn và xuất bản SGK đúng chuẩn. Đây là một đổi mới quan trọng trong GD&ĐT của nước ta. Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chất lượng giáo dục qua Bộ chuẩn kiến thức môn học. Các Nhà xuất bản sẽ tiếp cận giáo viên kịp thời để giáo viên chọn SGK hay nhất giới thiệu cho học sinh mua.
(2) Soạn Chương trình đào tạo và đào tạo lại giáo viên. Quan tâm về nội dung dạy đúng theo Chuẩn Kiến thức môn học của từng giáo viên và về phương pháp dạy cải tiến.
(3) Tổ chức tập huấn giáo viên dạy theo Chương trình GDPT mới.
(4) Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học mà từng môn học đòi hỏi.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định, Bộ Chuẩn kiến thức và Kỹ năng (KTKN) các môn học trong hệ phổ thông từ Mầm non mẫu giáo đến lớp 12 đã được bắt đầu thực hiện từ năm 2000. Đến năm 2009, Bộ GD&ĐT đã công bố những phiên bản đầu tiên của Bộ Chuẩn để lấy ý kiến các trường phổ thông.
Khi có được Bộ Chuẩn KTKN quốc gia ngang tầm quốc tế, những thầy cô giáo dạy giỏi các môn học ở các vùng miền sẽ được các nhà xuất bản hợp đồng soạn SGK viết đúng theo Bộ Chuẩn KTKN nhưng áp dụng theo điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng miền để giáo viên các trường ở vùng miền ấy tham khảo và chọn cho học sinh mua sử dụng.
Giáo viên sẽ chọn sách hay để dạy
Bộ GD&ĐT không nên quá tập trung nhân lực, vật lực để làm công việc mà các nhà xuất bản có thể làm hiệu quả hơn. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chất lượng qua Bộ Chuẩn kiến thức môn học, chứ không bằng SGK do Bộ tự soạn thảo và tự xuất bản.
Bộ GD&ĐT không nên biên soạn SGK, mà nên để cho các nhà xuất bản thực hiện đúng theo Bộ Chuẩn kiến thức mà Bộ ban hành. Mỗi chuẩn kiến thức của từng môn học của từng cấp học đều được kèm theo các tiêu chí để kiểm tra mức độ đạt chuẩn kiến thức đó.
Ví dụ như môn Toán lớp 1, chuẩn kiến thức các em học những phần nào, kèm theo đó là các tiêu chí đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức lớp 1. Tương tự như thế cho đến chuẩn kiến thức lớp 12, cho tất cả các môn học của chương trình GDPT.
Nắm rõ bộ chuẩn này giáo viên linh động, sáng kiến soạn giáo án để dạy học sinh thế nào cho đạt chuẩn kiến thức đó. Cuối tiết học sẽ đánh giá học sinh có đạt chuẩn kiến thức đó chưa. Với Chuẩn Kiến thức đó, một số thầy cô giàu kinh nghiệm, dạy giỏi môn học sẽ được các nhà xuất bản lớn hợp đồng soạn SGK cho tất cả các môn học của các lớp. Các thầy cô giáo dạy mỗi môn học sẽ có nhiều SGK của môn học đó để tham khảo soạn giáo án.
SGK của tác giả nào viết hay nhất (đúng theo Bộ Chuẩn, phương pháp dễ dạy và học sinh dễ tiếp thu) sẽ được giáo viên chọn giới thiệu để học sinh mua sử dụng. Làm như vậy chương trình không nặng, vừa phát huy trí sáng tạo, thông minh của giáo viên và học sinh. Quan trọng nữa là ngân sách quốc gia sẽ không lãng phí chi cho hết đợt thay sách giáo khoa này đến đợt thay sách giáo khoa khác.
Các thầy cô giáo cần nhận được sách giáo khoa lớp 1 mẫu từ các nhà xuất bản (tốt nhất là phiên bản điện tử) càng sớm càng tốt. Để nghiên cứu dạy thử trước và chọn tác giả nào viết hay nhất để hướng dẫn học sinh mình mua đúng sách, sẵn sàng vào học.
Bộ GD&ĐT hoàn chỉnh bộ Chuẩn kiến thức (Standards of Knowledge) của từng môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Trên cơ sở đó mà các tác giả được chọn bởi các nhà xuất bản uy tín viết SGK. Bộ GD&ĐT không cần soạn SGK nữa. Có như vậy, xã hội sẽ có vài bộ SGK chất lượng mà Nhà nước không tốn tiền.
Giáo sư Võ Tòng Xuân