Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chương trình GDPT mới có thể đáp ứng mong ước của xã hội

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chương trình GDPT mới có thể đáp ứng mong ước của xã hội

Tiếp cận ngang tầm quốc tế

- Là người nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học và gắn bó với ngành Giáo dục, xin Giáo sư cho biết sự kỳ vọng về Chương trình GDPT mới?

- Tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo đã dày công tham khảo nhiều chương trình hiện đại của các nước tiên tiến để áp dụng trong bối cảnh Việt Nam, soạn bộ chương trình cải tiến GDPT từ nhà trẻ - mẫu giáo đến cuối lớp 12. Đây là nền giáo dục căn bản của mọi công dân Việt Nam cần phải đạt. Khi tốt nghiệp trình độ này công dân có thể tham gia lao động trong xã hội với tri thức và kỹ năng cơ bản về cách sống văn minh bằng ngôn ngữ Việt và một ngoại ngữ phổ biến. Được trang bị nền GDPT này, công dân Việt Nam sẽ ngang hàng với công dân các nước tiên tiến. Tôi tin rằng Chương trình GDPT của chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Tôi cũng kỳ vọng rằng, người tốt nghiệp GDPT Việt Nam trong tương lai phải có (1) khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ; (2) khả năng làm việc hoặc khởi nghiệp; (3) khả năng học thêm nghề chuyên môn và (4) khả năng học cao hơn trung học. Yêu cầu về “phẩm chất và năng lực của học sinh” cũng đã được soạn thảo rất hiện đại, nêu ra 6 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh phổ thông. Chúng tôi mong muốn Ban soạn thảo nên tiếp tục xây dựng cho được Bộ chuẩn kiến thức môn học của toàn bộ Chương trình GDPT mới, kể cả cấp nhà trẻ - mẫu giáo. Bộ chuẩn này là cơ sở cho Bộ GD&ĐT quản lý ngành Giáo dục.

Về kế hoạch giáo dục được đổi mới gần như hoàn toàn, tiếp cận được ngang tầm quốc tế. Nổi bật nhất là bốn môn học (1) Tiếng Việt - Ngữ văn, (2) Ngoại ngữ, (3) Toán, và (4) Giáo dục thể chất được học trong suốt quá trình 12 năm. Chương trình đã đạt mục tiêu đổi mới giáo dục Việt Nam một cách gần cơ bản và toàn diện. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới và xác định lớp mẫu giáo phải là đơn vị quan trọng nhất của GDPT, nên được bao gồm trong GDPT. Trong hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam, các lớp mầm non và mẫu giáo của ta chưa được chú trọng đúng mức. Trong khi hệ thống giáo dục các quốc gia tiên tiến luôn coi trọng giáo dục mầm non, do giáo viên già dặn nghề giáo đảm trách.

- Theo Giáo sư, việc cần làm hiện nay là gì để Chương trình GDPT mới triển khai có hiệu quả?

- Theo tôi, đây là một chương trình GDPT được đổi mới gần như toàn diện và cơ bản. Chương trình có thể đáp ứng mong ước của xã hội về một chương trình giáo dục căn bản, hiện đại cho mọi người Việt Nam, làm bệ phóng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập thế giới. Có chương trình mới này, Nhà nước sẽ cùng xã hội đầu tư đến nơi đến chốn cho GDPT - nền tảng của giáo dục Việt Nam, để xây dựng mới một thế hệ con người Việt Nam biết kế thừa và phát huy những tinh hoa của đất nước. Chấm dứt tình trạng như hiện nay khi học sinh tốt nghiệp phổ thông rồi mà không biết làm gì được hơn là tiếp tục lo thi vào đại học.

Giáo sư Võ Tòng Xuân.
 Giáo sư Võ Tòng Xuân. 

Để triển khai có hiệu quả chương trình này, cần phải có bước chuẩn bị thực hiện đầy đủ và chu đáo. Nếu làm khẩn trương, chúng tôi dự đoán phải cần thời gian ít nhất 3 năm kể từ khi có quyết định hành động. Trong các bước chuẩn bị này, tôi thấy rất cần thiết có những việc sau đây sẽ được thực hiện: (1) Hoàn chỉnh Bộ chuẩn kiến thức của tất cả các môn học từ mầm non - mẫu giáo đến lớp 12 của Chương trình GDPT mới để cho các nhà xuất bản tổ chức soạn và xuất bản sách giáo khoa đúng chuẩn.

Đây là một đổi mới quan trọng trong GD-ĐT của nước ta. Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chất lượng giáo dục qua Bộ chuẩn kiến thức môn học. Các nhà xuất bản sẽ tiếp cận giáo viên kịp thời để giáo viên chọn sách giáo khoa hay nhất giới thiệu cho học sinh mua. (2) Soạn Chương trình đào tạo và đào tạo lại giáo viên. Quan tâm về nội dung dạy đúng theo Chuẩn kiến thức môn học của từng giáo viên và về phương pháp dạy cải tiến. (3) Tổ chức tập huấn giáo viên dạy theo Chương trình GDPT mới. (4) Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học mà từng môn học đòi hỏi.

Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên

- Theo Giáo sư, trường sư phạm hiện nay cần thay đổi, chuyển động như thế nào để có giáo viên tốt?

- Đổi mới giáo dục Việt Nam cần trước tiên và nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo giáo viên vì hiện tại GDPT của chúng ta đang ở trình độ phổ biến, chưa đồng đều. Hiện trạng này một phần là hậu quả của việc đào tạo giáo viên của các trường/khoa sư phạm và phương pháp dạy và học, cùng mức độ đầu tư cơ sở vật chất cho bậc phổ thông. Vì trình độ chuyên môn và kỹ năng dạy của giáo viên chưa đạt kết hợp với sự cố gắng của học sinh cũng chưa đạt đã đưa học sinh phổ thông từ chỗ lưu ban đến ngồi nhầm lớp!

Bây giờ, chuẩn bị dạy theo chương trình mới, gần như tất cả các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy/hướng dẫn. Với trình độ giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm qua chương trình đào tạo giáo viên hiện nay thì khó “kham” nổi chương trình mới này. Do đó, đổi mới cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam chính là đổi mới trước tiên chương trình đào tạo sư phạm để đáp ứng sự đổi mới chương trình GDPT.

Vấn đề này không được xem thường, phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên sao cho mỗi giáo viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo giáo viên mới phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về Tiếng Việt và Tiếng Anh (hoặc Ngoại ngữ 1 khác) để dạy song ngữ, và các môn học mới thiết kế bởi chương trình GDPT vừa soạn thảo.

Đối với các giáo viên hiện đứng lớp: Cần một chương trình đào tạo cấp tốc giáo viên dạy chương trình mới với Bộ chuẩn kiến thức môn học mới sẽ được Bộ GD&ĐT công bố. Mỗi giáo viên môn học được huấn luyện phương pháp dạy, phương pháp đánh giá mức độ học sinh đạt chuẩn kiến thức… Làm quen cách dạy với thực tế môn học, phải có khả năng chỉ cho học sinh những ứng dụng của kiến thức đang học vào thực tiễn. Khai thác khía cạnh hướng nghiệp của môn học mình đang dạy. Phương tiện dạy và học của mỗi trường học phải được trang bị thật đầy đủ trợ huấn cụ (đồ chơi để học, máy móc, sân vườn…), thư viện với các tài liệu tham khảo cơ bản (cả giáo viên và học sinh đều tham khảo) và nối mạng Internet với nhiều đầu máy để bàn.

Tiếp nhận đổi mới là yêu cầu thực tiễn cho thế hệ trẻ. Ảnh: NT
 Tiếp nhận đổi mới là yêu cầu thực tiễn cho thế hệ trẻ. Ảnh: NT

- Giáo sư đã và đang làm việc, nghiên cứu ở nhiều quốc gia, qua thực tế xin ông cho biết ngành Giáo dục chúng ta cần phải làm gì để bắt kịp sự phát triển?

- Tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu những quá trình phát triển giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, từ Âu Mỹ đến châu Phi, thấy được cách nào đã làm cho nguồn nhân lực của một nước được đào tạo thành nhân tài góp phần tích cực phát triển đất nước. Bản thân tôi cũng đã được đào tạo từ hệ thống giáo dục của Philippines và Nhật Bản, thấy được rõ ràng hơn những cách làm rất hiệu quả của các quốc gia này. Chắt lọc lại, tôi rất ấn tượng với quá trình phát triển hệ thống giáo dục của Singapore, sau chuyến tham gia đoàn nghiên cứu của một số hiệu trưởng đại học Việt Nam hồi tháng 7/2006.

Khi Singapore chuẩn bị bước vào thế kỷ 21, chính phủ nước này đã nghiên cứu khả năng cạnh tranh của Singapore trên thị trường thế giới, và đã kết luận rằng, nếu muốn tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, Singapore phải tăng cường khả năng cạnh tranh của mình. Sau đó, một chương trình quy mô lớn đã được phát động với kinh phí đầu tư tập trung. Mục tiêu của chương trình là nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động bằng mọi cách, mà cơ bản nhất là đào tạo từ cấp phổ thông đến đại học.

Sự phồn vinh của Singapore nói riêng và của các con rồng châu Á khác nói chung, kể cả Nhật, đều bắt nguồn từ những người thầy đến từ châu Âu và Mỹ. Những người thầy này, từ thuở sơ khai đã được mời sang Singapore để thiết kế xây dựng các trường đại học, và được mời ở lại dạy học và mua hàng hóa của họ, giúp họ làm giàu. Đã đến lúc Việt Nam phải thấy thực tế đó, cần học trực tiếp từ thầy hơn là lẽo đẽo theo chân học trò để học lại. Cũng không chắc gì các học trò đó lại dạy hết cho chúng ta cạnh tranh với họ.

Trước hết, để đổi mới giáo dục trong nước, cần bắt đầu từ các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho các cấp phổ thông. Thế giới đã thay đổi nhanh chóng thì các thầy cô giáo phổ thông không thể dạy y như cũ mãi. Kế đến là thể chế hóa phương pháp dạy học mới và phương pháp thiết kế chương trình đào tạo cho tất cả các thầy cô chuyên ngành trong các trường đại học.

Cuối cùng là phải đầu tư thích đáng cơ sở vật chất cho một số trường đại học trọng điểm của Việt Nam: Gửi giảng viên và nghiên cứu sinh của các trường đi học ở các nước Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, cũng cần liên kết với các trường nổi tiếng của Mỹ, châu Âu và mời giáo sư của họ sang Việt Nam giúp cải tiến chương trình giảng dạy, nghiên cứu mà chúng ta đang yếu.

- Từ năm 2020, Chương trình GDPT mới bắt đầu triển khai. Giáo sư có nhắn nhủ gì đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh?

- Chúng ta là những người tiên phong khởi động giai đoạn mới trong lịch sử phát triển nền giáo dục Việt Nam. Những năm đầu tiên sẽ có nhiều thách thức khó khăn, nhất là khi những chuẩn bị như đề nghị bên trên cần phải có thời gian và chưa thể hoàn chỉnh đúng theo tiến độ. Tôi tin rằng với một quyết tâm cao của mỗi thầy cô giáo, vì lòng tự ái dân tộc quyết không thua các nước tiên tiến, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ