- Có ý kiến cho rằng nhiều công trình nghiên cứu cơ bản hiện nay vô cùng lãng phí vì không có giá trị thực tiễn. GS đánh giá sao về điều này?
Mọi người nghĩ những nghiên cứu cơ bản là vô bổ, nhưng thực ra không phải thế mà mình đang tạo ra tri thức cho loài người, có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục và đào tạo.
Như các bạn thấy, nếu không có những nghiên cứu cơ bản thì làm sao có những thiết bị điện tử chúng ta đang dùng bây giờ. Không có nghiên cứu cơ bản, làm sao có internet, các thiết bị công nghệ...
Có hàng ngàn nghiên cứu, nhưng chỉ cần một nghiên cứu thành công thì có thể trở thành một cuộc cách mạng về công nghệ, thay đổi cuộc sống.
Nên, mọi người đừng mong muốn tất cả nghiên cứu cơ bản phải có tính ứng dụng hay ra sản phẩm. Tôi khẳng định, việc nghiên cứu cơ bản không hề vô bổ, còn có thể vận dụng hay không thì phải chờ. Và nhiệm vụ của các thầy là phải công bố được trên các tạp chí uy tín thế giới, làm tăng uy tín của nước mình.
Nước mà không có công trình nghiên cứu trên tạp chí thế giới, người ta sẽ xem là một nước kém phát triển.
Ở nước ngoài, các giáo sư không hề bị sức ép là phải có ứng dụng thực tiễn mà sức ép duy nhất của họ là phải có công trình được vinh danh trên các tạp chí lớn có uy tín thế giới.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì ngược lại, yêu cầu giáo sư phải làm ra và chứng minh các công trình nghiên cứu có tính áp dụng và thực tiễn cao. Tôi thấy điều đó không đúng về mặt tư tưởng.
- Nói đến số lượng bài báo Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới thì rõ ràng còn quá ít. Làm sao để cải thiện tình trạng này, thưa giáo sư?
Thực ra, hiện nhà nước ta đang rất đầu tư và quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta đã có Quỹ Khoa học - Công nghệ quốc gia (Nafosted) từ năm 2009, chủ yếu tài trợ cho các nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản để có được những công trình công bố trên các tạp chí quốc tế.
Quỹ này chi cho một bài báo ISI 300 triệu đồng, nếu trừ đi các chi phí mua nguyên vật liệu để làm thí nghiệm thì vẫn có một khoản thu nhập khá ổn. Cũng nhờ thế mà số lượng bài báo của Việt Nam những năm gần đây tăng rất mạnh.
Kinh tế Việt Nam đang khó khăn, nhưng nhà nước vẫn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản như vậy cũng là cố gắng hết sức rồi, đòi hỏi hơn nữa thì là hơi khó.
Ở Hàn Quốc, họ đầu tư xây dựng các viện nghiên cứu khoa học rất lớn và đầy đủ thiết bị. Hoặc như một giáo sư Anh quốc tôi biết, mỗi năm họ được đầu tư 10 triệu đô và được gia hạn đầu tư từ 10 đến 20 năm.
Họ đầu tư như vậy để trong thời gian tới phải đạt giải thưởng Nobel, đó đầu tư có mục đích. Còn ở Việt Nam như vậy đã là cố gắng hết sức rồi.
- Theo giáo sư, liệu còn có giải pháp gì khác ngoài việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học như đã nói ở trên?
Giải pháp thì có nhiều, ví dụ như thu hút những nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài. Những người này có kinh nghiệm và quen với việc làm công trình để đăng trên các tạp chí uy tín. Nếu thu hút được họ về nước sẽ rất có lợi trong tăng hiệu quả và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên chính sách ở Việt Nam có hạn, chi phí eo hẹp nên việc thu hút còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, còn một số các giải pháp khác như tạo môi trường thông thoáng hơn trong đầu tư, trong khoa học, xét duyệt đề tài công bằng hơn. Đặc biệt là mở rộng hành lang pháp lý cho các đề tài khoa học, từ việc giải trình chi tiêu đến giấy tờ công văn, thủ tục cần đơn giản và dễ dàng hơn. Chủ nhiệm đề tài có năng lực công bố tốt sẽ được các quỹ đầu tư để triển khai ứng dụng đề tài.
- Hiện nay, chúng ta có nhiều sinh viên năng lực tốt nhưng lại không có điều kiện đi ra nước ngoài học tập. Theo giáo sư, có cách nào để những đối tượng này nâng cao được năng lực nghiên cứu trong môi trường trong nước?
Theo tôi, các bạn đó nên tìm các nhóm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam mà thành tích khoa học tốt. Tôi cũng biết một vài nghiên cứu sinh xuất phát từ đó và đã ra ngoài nghiên cứu rất thành công các đề tài của mình, đồng thời, có nhiều thành tích tốt trong quá trình nghiên cứu sinh.
Cũng xin nói thêm, các sinh viên đào tạo trong nước, nhiều bạn năng lực rất tốt, nhưng thường có điểm yếu về Tiếng Anh. Chính vì khả năng ngoại ngữ kém mà việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, báo cáo trước hội đồng khó thuyết phục.
Tôi quan niệm chức danh GS chỉ là một vị trí công việc
- Có nhiều áp lực không khi trở thành một giáo sư trẻ nhất năm nay?
Tôi quan niệm đó chỉ là một vị trí công việc, tuy nhiên, áp lực do chính mình đặt ra thì nhiều. Ví dụ như: Phải có nhiều công trình uy tín hơn khiến bản thân phải liên tục "chiến đấu", đào tạo ra các lớp nghiên cứu sinh chất lượng hơn.
Điều mình mong muốn là có những công trình uy tín, được đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới. Đồng thời làm sao đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của nhà trường.
Tôi nhận thấy lực lượng của Trường ĐH Bách khoa rất mạnh, chỉ cần chính sách hợp lý, Trường sẽ vươn lên rất nhiều và tất cả anh em trong Viện đều đang cố gắng vì điều đó.