“Mùa” vui giáo sư, phó giáo sư 2015: Hai kỷ lục của ngành Vật lý

GD&TĐ - Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận cho 522 tân Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015.

Đồng chí Đinh Thế Huynh - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao Giấy chứng nhận cho các GS.
Đồng chí Đinh Thế Huynh - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao Giấy chứng nhận cho các GS.
“Mùa” vui giáo sư, phó giáo sư 2015: Hai kỷ lục của ngành Vật lý ảnh 1“Mùa” vui giáo sư, phó giáo sư 2015: Hai kỷ lục của ngành Vật lý ảnh 2“Mùa” vui giáo sư, phó giáo sư 2015: Hai kỷ lục của ngành Vật lý ảnh 3“Mùa” vui giáo sư, phó giáo sư 2015: Hai kỷ lục của ngành Vật lý ảnh 4

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Doan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương  Đảng, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.

Vinh dự và trách nhiệm lớn lao

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Kế thừa là phát huy truyền thống quý trọng, tin dùng người tài của cha ông, Đảng, Nhà nước ta luôn tâm niệm việc phát hiện trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài.

Đào tạo, đội ngũ trí thức, phát hiện, trọng dụng nhân tài là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực và thật sự trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối đổi mới, nhất là trong công tác cán bộ của Đảng.

Tinh thần đó được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết 27 của BCH Trung ương Đảng khoa X, Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Đồng chí Đinh Thế Huynh bày tỏ vui mừng được biết số GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn hàng năm ngày càng được trẻ hóa, năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ được nâng lên; ngày càng nhiều người là tác giả các công trình khoa học giá trị được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, được ứng dụng một cách có hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, trong số các GS, PGS được công nhận năm nay, trên 95% là giảng viên các trường ĐH hoặc làm việc tại các Viện nghiên cứu. Tiêu chuẩn, quy trình xét chọn từng bước được đổi mới, hướng tới hội nhập quốc tế. Đó là những tiến bộ tích cực, đúng hướng, là sự nỗ lực đổi mới của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và tiến bộ đó, đồng chí Đinh Thế Huynh đồng thời lưu ý, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế, đó là: Đất nước ta vẫn còn nghèo và đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Chênh lệch về trình độ phát triển, về hạ tầng cơ sở, về khoa học công nghệ cũng như về chất lượng GD-ĐT còn lớn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Điều đó phải đòi hỏi chúng ta phải vượt khó vươn lên, ở điểm xuất phát thấp thì càng cần phải đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới về chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Được công nhận GS, PGS là vinh dự lớn với mỗi người nhưng cũng là trách nhiệm lớn của các đồng chí trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước.

Mỗi người chúng ta phải phấn đấu bằng tất cả nỗ lực và tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, cùng cả nước đưa sự nghiệp đổi mới GD-ĐT, Khoa học – Công nghệ đến những thành công mới, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, bằng kinh nghiệm hoạt động đã tích lũy được, đề xuất với Bộ GD&ĐT và Thủ tướng Chính phủ để công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của nước ta trong thời gian tới ngày càng đạt hiệu quả thiết thực hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn và phương thức đánh giá.

Tăng tỷ lệ GS, PGS là giảng viên

Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, điều đáng mừng trong kết quả đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay là tỷ lệ giảng viên trong số 522 tân GS, PGS tăng lên, cao hơn so với năm 2014 và các năm trước.

Số giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ 82,38%, giảng viên thỉnh giảng 17,62% và giảng viên thỉnh giảng làm quản lý chỉ 4,21%.

Trong những năm 1991 – 1992, các tỷ lệ phần trăm tương ứng là: 57,34%, 23,55%, 19,11%. “Như vậy, đã có thay đổi khá nhiều theo chiều hướng tốt dần lên” – GS Trần Văn Nhung nhận xét.

Về phân bố, tỷ lệ GS, PGS mới của Hà Nội tiếp tục giảm dần, của TP HCM và các tỉnh thành khác tiếp tục tăng dần theo hướng hợp lý.

Ngành Vật lý giữ 2 kỷ lục

GS Trần Văn Nhung cho biết, tuổi trung bình của 522 tân GS, PGS là 47,64 (năm 2014 là 49). Tuổi trung bình của 52 tân GS là 56,94 (năm 2014 là 58); tuổi trung bình của 470 PGS là 46,62 (năm 2014 là 48).

Kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là ba GS được công nhận ở tuổi 37 gồm: GS Phan Thanh Sơn Nam (Hóa học, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa TP HCM), GS Nguyễn Quang Diệu (Toán học, 2011, Trường ĐHSP Hà Nội), GS Hoàng Ngọc Hà (Khoa học Trái đất, năm 1996, Trường ĐH Mỏ - Địa chất). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận GS là 81 tuổi.
Có 129 nữ trên tổng số 522 tân GS, PGS, trong đó có 5 nữ GS là: Đỗ Hương Trà (Giáo dục học), Nguyễn Thái Yên Hương (Sử học), Lê Thị Thanh Nhàn (Toán học, cũng là nữ GS trẻ nhất), Hứa Thị Ngọc Hà (Y học) và Phan Thị Ngà (Y học).

Có 5 PGS là người dân tộc ít người, gồm: 1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày.

GS trẻ nhất năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý – Phó Viện trưởng ITIMS (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 43 tuổi. Bố mẹ là nông dân người Huế, GS Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó có 85 công trình trên các tạp chí quốc tế ISI.

GS cao tuổi nhất năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu (ngành Vật lý) - Trường ĐHDL Duy Tân, 31 tuổi. Như vậy, ngành Vật lý năm nay giữ hai kỷ lục là GS và PGS trẻ nhất.

Kỷ lục PGS trẻ nhất trong 35 năm qua với tuổi 29 là 2 PGS: Nguyễn Khánh Diệu Hồng (nữ, Hóa học, năm 2012, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phạm Hoàng Hiệp (Toán học, 2011, Trường ĐHSP Hà Nội). Kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận PGS là 81 tuổi.

“Những gương mặt trẻ mới gia nhập đội ngũ GS, PGS để tăng thêm sinh khí cho tương lai và cho lực lượng khoa giáo cao cấp, nhưng chúng ta cũng rất trân trọng những người mà khi gia nhập đội ngũ GS, PGS đã cao niên, do hoàn cảnh, điều kiện riêng về chuyên môn, về cuộc sống.

Vì chính họ là tấm gương sáng, kiên cường, bền bỉ, học tập, nghiên cứu và cống hiến suốt đời cho Tổ quốc” – GS Trần Văn Nhung bày tỏ.

“Hiếm muộn” nữ GS, PGS

Theo GS Trần Văn Nhung, trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều “hiếm, muộn” nữ GS và PGS.

Ví dụ ngành Toán học, nữ GS Toán học đầu tiên của nước ta là NGND.GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, được phong GS năm 1980 khi 47 tuổi.

Cho đến nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS Toán học thứ 2 là TS Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).

Đặc biệt, "đại gia đình" Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) đón nhận "tốc hỉ": Năm 2015, ngành Sinh học của trường có 2 tân PGS: PGS.TS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976).

"Nhân buổi lễ long trọng này, thay mặt Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước và Bộ GD&ĐT, chúng tôi nồng nhiệt chúc mừng 52 giáo sư và 470 phó giáo sư đủ tiêu chuẩn và được công nhận năm 2015.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí vì sự cố gắng không mệt mỏi, khắc phục khó khăn, kiên trì theo đuổi sự nghiệp giáo dục và khoa học công nghệ, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của nước nhà.

Xin kính chúc các đồng chí tiếp tục giành được nhiều thắng lợi trong cương vị mới, đóng góp và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng chia vui với các thành viên gia đình các giáo sư, phó giáo sư được công nhận trong năm 2015 và xin cảm ơn gia đình, người thân của các giáo sư, phó giáo sư đã đồng hành cùng những người làm công tác giáo dục của đất nước.

Cũng xin chia vui và chúc mừng tới lãnh đạo và tập thể cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu ở các đơn vị được đón nhận các GS, PGS mới.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin chúc mừng các tân giáo sư, phó giáo sư năm 2015, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tất cả các bậc học. Kính chúc các thầy, cô sức khỏe, hạnh phúc và thành công, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ