Những người thầy đặc biệt của giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2015

GD&TĐ - Để thành công trên con đường khoa học như ngày hôm nay, với giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015 Nguyễn Văn Hiếu, không thể thiếu vắng sự tận tâm của những người thầy đặc biệt.

Những người thầy đặc biệt của giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2015

Người thầy nâng đỡ ước mơ người sinh viên nghèo

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Huế có tới 11 người con, Nguyễn Văn Hiếu từng bỏ lỡ giấc mơ trở thành sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vì nhà quá khó khăn.

Gạt niềm nuối tiếc với giấy trúng tuyển, Nguyễn Văn Hiếu quyết tâm tìm việc làm để tích lũy tiền để sang năm thi đại học. Lựa chọn tiếp theo của anh là Trường ĐH tổng hợp Huế (nay là ĐH Huế) để được gần nhà, đỡ tiền trọ học. Năm ấy, chàng trai trẻ hào hứng bước vào cuộc đời sinh viên với niềm vui được nhận học bổng vì thành tích điểm đứng thứ ba trong khoa.

Mấy năm đại học nhanh chóng trôi qua. Trong khi các bạn đều tìm kiếm cơ hội việc làm thì chàng tân kỹ sư chọn con đường học tiếp, với điều kiện: Học nhưng không phải mất học phí. May mắn, anh đã tìm được nơi phù hợp là Trung tâm quốc tế đào tạo về khoa học vật liệu (khi đó thuộc Bộ GD&ĐT), nay là Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Một anh chàng “nhà quê”, một thân một mình chân ướt chân ráo lên thủ đô, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hiếu đã may mắn được thầy Nguyễn Đình Chiến (nay là GS.TS.NGND Nguyễn Đình Chiến) - một trong 3 người đầu tiên xây dựng lên ITIMS - tận tình giúp đỡ.

Không chỉ là thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ, GS Nguyễn Đình Chiến còn là người định hướng con đường nghiên cứu về các loại vật liệu có cấu trúc nano cho các loại cảm biến khí và cảm biến sinh học dùng trong quan trắc môi trường và chẩn đoán bệnh trong y học. Đây cũng là hướng nghiên cứu GS Nguyễn Văn Hiếu đã theo đuổi 11 năm nay.

“Cũng chính GS Nguyễn Đình Chiến là người đã xin cho tôi được đi thực tập ở nước ngoài. Không có thầy, tôi không thể có cơ hội được sang Hà Lan học tập, nghiên cứu; không có điều kiện được làm việc trong một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp.

GS Nguyễn Đình Chiến - người luôn theo sát tôi quá trình dài nghiên cứu cho đến tận bây giờ, chính là người thầy tôi luôn ngưỡng mộ, tôn kính” – GS Hiếu chia sẻ.

“Hãy trở về Việt Nam đóng góp cho đất nước”

Năm 2000, GS Nguyễn Văn Hiếu sang Hà Lan làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật liệu điện tử (Trường ĐH Twente). Thời gian này, anh đã may mắn được làm việc với hai giáo sư Hà Lan - người hướng dẫn anh làm nghiên cứu sinh, đó là GS Fed Kupper và GS Tom Mauthaan.

GS trẻ nhớ lại: Khi hoàn thành nghiên cứu sinh, tôi có nhiều cơ hội ở lại Hà Lan làm việc. Quả thực, đó là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn vì nếu ở lại, điều kiện sống, làm việc, lương bổng đều rất tốt.

Trước sự lựa chọn khó khăn đó, GS Nguyễn Văn Hiếu đã có được quyết định đúng đắn - về nước – dù biết sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian nan cũng vì câu nói của hai người thầy Hà Lan:

“Đất nước anh còn nghèo, những người được đào tạo tốt như anh nên trở về để đóng góp cho đất nước”.

Quả đúng như vậy, những ngày đầu tiên trở về nước, GS Hiếu đã có một khởi đầu khó khăn, đồng lương không đủ sống, vừa phải làm công tác nghiên cứu, vừa làm thêm công ty ở bên ngoài; rồi tự xây dựng một phòng thí nghiệm từ hai bàn tay trắng...

Nhưng vượt qua quãng thời gian đó, đáp lại rất nhiều cố gắng và nỗ lực là một gia tài nghiên cứu lớn: 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có 22 bài báo được trích dẫn quốc tế 22 lần - con số đáng mơ ước của các nhà khoa học có bài đăng trên tạp chí quốc tế.

Ngay sau khi được nhận chức danh GS, GS Nguyễn Văn Hiếu cũng được giao trọng trách Viện trưởng ITIMS khi ở tuổi 43. Với nhà khoa học trẻ, những thành công đạt được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, luôn có dấu ấn của những người thầy yêu kính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ