GS Nguyễn Văn Minh: Tín hiệu tích cực đối với hệ thống các trường sư phạm

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã diễn ra thành công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ở mức “báo động”. Đây được coi là điểm nhấn ấn tượng của ngành Giáo dục trong năm 2020.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ghi nhận những kết quả của ngành Giáo dục đạt được, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, năm học 2019-2020 với những biến động ngoài dự đoán do đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ hoạt động của ngành GD-ĐT, nhưng toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Toàn ngành đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; dù còn nhiều việc phải làm nhưng ngành Giáo dục đang đi đúng hướng, phù hợp với xu thế của thời đại.

Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta đã triển khai bài bản, khoa học và có lẽ đầy đủ nhất từ trước đến nay trong việc chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc chuyển sang chương trình được coi là pháp lệnh, sách giáo khoa là một học liệu quan trọng để giáo viên tham khảo dạy học, ít nhiều cũng khiến giáo viên lúng túng trong thời gian đầu.

Hơn bao giờ hết, các thầy cô cần thay đổi mới phương pháp dạy học, năng động, sáng tạo và làm mới chính mình. Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành với giáo viên, nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Cũng trong năm 2020, một trong những kết quả nổi bật là: Bộ đã quyết định chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh trước đại dịch Covid-19.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được nhiều nhà trường đại học lựa chọn, làm căn cứ tin cậy để tuyển sinh. Đây được coi là thành công và điểm nhấn ấn tượng của ngành Giáo dục trong 2020.

Với quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành Sư phạm, các trường đào tạo giáo viên đã có cơ sở chọn lựa thí sinh có năng lực, trình độ; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” được áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 – 2022 trở đi, là tín hiệu tích cực đối với hệ thống các trường sư phạm. Năm 2020, có ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội điểm trúng tuyển lên đến 28 điểm. Qua đó, cho thấy tác động của chính sách này là rất lớn.

GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất, thời gian tới cần có cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm. Thiết nghĩ, nếu riêng ngành Giáo dục thì rất khó để có thể triển khai tốt nhất được, mà cần có sự tham gia của các địa phương.

Trong khi chúng ta đang tiến hành đổi mới, các thầy cô giáo đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này, thì các chế độ chính sách đối với nhà giáo cần được quan tâm, đầu tư đúng mức, nhằm tạo động lực cho thầy cô giáo yên tâm công tác.

Cùng với đó, cần tập trung thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên ở những nơi khó khăn; nhằm giảm khoảng cách giữa các vùng miền trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.