GS Nguyễn Minh Thuyết: Tháng 9/2019 chỉ triển khai chương trình mới ở lớp 1

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đề xuất giãn tiến độ 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Xung quanh vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông – đã trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tháng 9/2019 chỉ triển khai chương trình mới ở lớp 1

Không nên làm ồ ạt

- Vì sao Bộ GD&ĐT không thực hiện được yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa giáo sư?

Nếu Quốc hội yêu cầu sang năm nhất định phải áp dụng chương trình mới trên cả nước thì chúng tôi vẫn phải thực hiện và có thể thực hiện được. Nhưng qua phát biểu của những người có trách nhiệm ở Quốc hội, tôi hiểu điều Quốc hội quan tâm hàng đầu không phải tiến độ mà là chất lượng của chương trình.

Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) là việc lớn, chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là xây dựng một chương trình để sử dụng lâu dài. Tuy rằng về nguyên tắc, sau khi ra đời, chương trình sẽ vẫn được tiếp tục cập nhật, bổ sung, phát triển để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; nhưng mục tiêu và những định hướng lớn của chương trình phải có tính ổn định, lâu dài.

Cô và trò
Cô và trò

Chính vì vậy, việc xây dựng CT, SGK GDPT lần này được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, gồm nhiều bước:

(i) biên soạn CT GDPT tổng thể; (ii) công bố dự thảo CT GDPT tổng thể trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến nhân dân trong thời gian 60 ngày (Trên thực tế, Bộ GD&ĐT 2 lần công bố dự thảo CT GDPT tổng thể để xin ý kiến nhân dân, tổng cộng thời gian chờ xin ý kiến là hơn 90 ngày);

(iii) thẩm định và thông qua CT GDPT tổng thể; (iv) xây dựng các CT môn học và hoạt động giáo dục; (v) công bố dự thảo các CT môn học và hoạt động giáo dục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến nhân dân trong thời gian 60 ngày;

(vi) thẩm định và thông qua các CT môn học và hoạt động giáo dục; (vi) thẩm định vòng 2 CT GDPT tổng thể; (vii) ban hành toàn bộ CT GDPT; (viii) các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo CT GDPT đã được ban hành; (ix) thẩm định và phê duyệt cho phép sử dụng SGK; (x) tập huấn giáo viên dạy theo CT, SGK mới.

Thời gian để thực hiện toàn bộ các công việc trên tính từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới CT, SGK GDPT (28/11/2014) đến thời hạn triển khai CT, SGK mới (tháng 9/2018) chưa đầy 4 năm.

Trong khi đó, chúng ta biết rằng CT GDPT hiện hành được khởi thảo từ năm 1996, chỉ bao gồm các CT môn học và hoạt động giáo dục, không có CT tổng thể và không phải chờ đợi 120 ngày lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân nhưng đến năm 2002 mới triển khai ở hai cấp tiểu học, THCS và năm 2005 mới triển khai ở cấp THPT; tổng cộng thời gian từ khi dự thảo đến khi ban hành chính thức hơn 9 năm. Đó là một lý do khiến CT không thể làm nhanh được.

Lý do thứ hai là quá trình dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.

Lý do thứ ba là xây dựng CT GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ GDĐT và các chuyên gia xây dựng CT nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng.

Một lý do bất khả kháng nữa là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu xây dựng CT GDPT mới trên thực tế kéo dài hơn dự kiến:

Ngày 08/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT, vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Ngày 08/8/2016, Hiệp định tài trợ cho Dự án mới được ký kết. Ngày 15/9/2016, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số 256/NQ-UBTVQH14 bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 cho Bộ GDĐT để triển khai thực hiện Dự án.

Từ đây, việc tuyển chọn Tổng chủ biên CT GDPT, các Chủ biên và tác giả CT môn học, một trong yếu tố quyết định thành công trong xây dựng, biên soạn và thực hiện CT, SGK mới được chính thức tiến hành theo phương thức đấu thầu tuyển chọn chuyên gia tư vấn.

Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 25/01/2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT mới ban hành các Quyết định thành lập Ban Phát triển CT GDPT tổng thể và ngày 14/3/2017 ban hành Quyết định thành lập Ban Phát triển CT môn học.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

- Nội dung đề xuất giãn tiến độ của Bộ GD&ĐT cụ thể thế nào

Nội dung đề xuất của Bộ GD&ĐT gồm hai điểm: Thứ nhất, thời điểm bắt đầu triển khai CT, SGK mới là từ năm học 2019 – 2020.

Thứ hai là về lộ trình. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, ngay từ năm đầu tiên triển khai sẽ áp dụng CT, SGK mới ở cả 3 lớp đầu cấp; năm thứ 2 triển khai tiếp ở các lớp 2, 7 và 11; năm thứ 3 triển khai tiếp ở các lớp 3, 8 và 12; năm thứ 4 triển khai đến lớp 4 và lớp 9; năm thứ 5 triển khai tiếp ở lớp 5.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, năm đầu tiên sẽ chỉ triển khai CT, SGK mới ở lớp 1; năm tiếp theo triển khai đến lớp 2, lớp 6; năm thứ 3 đến lớp 3, lớp 7, lớp 10; sau đó đến lớp 4, lớp 8, lớp 11 và cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 2.

Tôi cho rằng, lộ trình này hợp lý hơn, vì nội dung kiến thức ở các cấp THCS và THPT phức tạp hơn; ở THCS có các môn học tích hợp, ở THPT thì học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và nguyện vọng, đó là những điểm mới, cần có thời gian chuẩn bị kỹ. Các cấp học này cũng đòi hỏi trang thiết bị nhiều hơn.

Kinh nghiệm cho thấy không nên làm ồ ạt mà phải làm thật chắc chắn. Các địa phương cũng cần thời gian để chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất,...

Việc 2 hoặc 3 thầy cô cùng dạy một môn tích hợp chỉ là giải pháp tình thế. Ngay ở Vương quốc Anh, người ta cũng tổ chức như vậy.
Nhưng song song với giải pháp này, phải đào tạo mới, tái đào tạo giáo viên để một giáo viên có thể đảm nhận một môn tích hợp.
Tuy vậy, việc thực hiện ở từng trường cụ thể như thế nào thì phải tùy tình hình thực tế của trường.
Việc bố trí giáo viên là việc liên quan đến chính sách, đến con người, phải hết sức thận trọng, chứ không thể suy nghĩ đơn giản được. Phải khắc phục bệnh “đồng phục”, phải có cái nhìn rất mở trong việc thực hiện chương trình”.
GS Nguyễn Minh Thuyết

Điều quan trọng nhất là tạo được động lực cho giáo viên

- Khi thời gian triển khai chương trình mới được lùi lại, việc chuẩn bị chắc chắn sẽ tốt hơn; nhưng liệu thời gian đó có đủ để thực sự sẵn sàng để chương trình mới thành công?

Nếu lùi thời gian triển khai, chương trình sẽ được chuẩn bị kỹ hơn, việc tập huấn cho giáo viên sẽ tốt hơn. Còn về cơ sở vật chất, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu rõ là chương trình phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì vậy chương trình không đặt ra những yêu cầu quá cao về cơ sở vật chất. Để thực hiện chương trình mới, chỉ cần các địa phương bảo đảm sĩ số tối đa trong lớp theo đúng quy định từ nhiều năm trước của Bộ GD&ĐT, đó là 35 học sinh trên lớp với tiểu học và 45 học sinh trên lớp với THCS và THPT.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần học 2 buổi/ngày; những nơi nào không có điều kiện cũng phải học được tối thiểu 6 buổi/tuần, nếu không sẽ rất khó nâng cao được chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện CT đối với những lớp chỉ học được 5 buổi/tuần.

Có thể nói đòi hỏi về cơ sở vật chất không lớn lắm, nhưng các địa phương phải vào cuộc, không thể coi đây chỉ là việc của ngành Giáo dục, để một mình để ngành Giáo dục xoay xở.

- Giáo sư vừa đề cập đến một khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất. Ngoài khó khăn này, còn những lực cản nào cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nữa hay không?

Chắc ai cũng thấy rằng, giáo viên là nhân tố quyết định trong mọi đổi mới giáo dục. Tôi không lo về trình độ của giáo viên vì các thầy cô hầu hết đều đã đạt chuẩn. Dù dạy học theo phương pháp mới là thử thách với giáo viên, nhưng đó không không phải là điều quá khó. Cái khó nhất, theo tôi chính là động lực của các thầy cô, là các thầy cô có thực sự hào hứng đổi mới hay không.

Nói đến việc tạo động lực đổi mới cho giáo viên, mọi người hay nghĩ đến thu nhập. Nhưng thực tế, đó không phải là điều quyết định. Để tạo động lực cho giáo viên, trước hết, những người xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa phải làm sao có được chương trình thật mới mẻ, sách giáo khoa thật hấp dẫn.

Các cấp quản lý cũng phải tạo hứng khởi bằng cách tôn trọng quyền sáng tạo của người giáo viên, đừng quản lý theo kiểu cầm tay chỉ việc. Dạy học phải lấy chuẩn của chương trình, chứ không phải lấy sách giáo khoa làm căn cứ. Nếu cán bộ quản lý, chỉ đạo chỉ nhăm nhăm “chỉnh” giáo viên vì nói thiếu câu này, thừa câu kia trong sách giáo khoa hay sách giáo viên thì giáo viên không thể dạy tốt được.

Riêng về chế độ với giáo viên, đòi hỏi tăng lương lúc này là phi thực tế. Nhưng ít nhất cũng phải cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trả lương và phụ cấp theo đúng công sức lao động, đúng chế độ nhà nước quy định, đừng làm giáo viên cực nhọc quá trong công việc. Ví dụ, giáo viên dạy vượt sĩ số quy định thì phải được trả thù lao phù hợp với công lao động bỏ ra.

Cuối cùng, điều vô cùng quan trọng là sự đồng thuận, đồng lòng của xã hội, trong đó có phụ huynh học sinh để động viên và phối hợp với thầy cô giáo dục con em.

Lớp học thông minh
Lớp học thông minh

Đồng thuận phải biến thành hành động

- Vậy theo giáo sư, đâu là yếu tố tiên quyết để chương trình giáo dục phổ thông mới có thể đi vào cuộc sống?

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận từ trên xuống. Trước hết là các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương phải thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu chỉ coi đây là việc riêng của ngành Giáo dục thì không thể thành công.

Bên cạnh đó, trong ngành cũng phải trên dưới đồng lòng. Đồng thuận phải biến thành hành động. Sau đó là sự đồng thuận của dư luận xã hội.

- Giáo sư có thể chia sẻ về công việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa từ nay đến năm tháng 9/2019 – thời điểm triển khai chương trình mới?

Chúng tôi phải tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, hoàn thiện các chương trình môn học; sau đó xin phép Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng 60 ngày để lấy ý kiến nhân dân, rồi hoàn thiện, thẩm định, trình Bộ trưởng ký. Công việc này có thể kéo dài đến hết năm 2017. Sau đó là biên soạn sách giáo khoa. Theo tôi, sắp tới Bộ trưởng nên ra thông báo mời các tổ chức, cá nhân viết sách và bắt tay vào việc tập huấn cho tác giả sách giáo khoa.

Người viết sách phải có đủ thời gian nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Việt Nam, mô hình sách giáo khoa thế giới, đi thực tế ở phổ thông để có đủ những hiểu biết cần thiết cho công việc viết sách giáo khoa. Viết xong, sách còn phải được thực nghiệm.

Lần này thực nghiệm có khác trước, đó là thực nghiệm cả chương trình, cả sách nhưng chỉ thực nghiệm cái mới và thực nghiệm trong cả quá trình xây dựng chương trình chứ không phải chỉ thực nghiệm trong lúc làm sách giáo khoa.

- Xin cảm ơn GS!

“Dù có thể được lùi thời gian, nhưng công việc của chúng tôi không hề giảm nhịp độ. Vẫn phải hết sức khẩn trương thì mới có được chương trình chất lượng tốt. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi tổ chức 18 hội thảo chuyên gia về 18 chương trình môn học. Sau đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên gia, hội thảo nội bộ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10.

Công việc tiếp theo là đi xuống các trường lấy ý kiến giáo viên. Làm thật chắc chắn, sau đó xin phép Ban Chỉ đạo đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân. Sau đó, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện chương trình rồi thẩm định các chương trình môn học và thẩm định một lần nữa (lần thứ 3) chương trình tổng thể" -
GS Nguyễn Minh Thuyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ