Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để góp thêm một góc nhìn về dự thảo lần này.
PV: Thưa GS, Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố dự thảo chương trình phổ thông tổng thể để lấy ý kiến dư luận. GS đánh giá như thế nào về dự thảo này?
GS Đào Trọng Thi: Dự thảo chương trình tổng thể lần này đã có rất nhiều tiến bộ so với lần công bố trước (năm 2015), chứng tỏ bộ phận soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc và nghiêm túc các ý kiến của dư luận, đặc biệt là của các chuyên gia, nhà giáo về chương trình tổng thể giáo dục phổ thông.
Đây là chương trình tổng thể nên mới tạo ra một hình dung chung về cơ cấu tổ chức chương trình học, bố trí các môn, vị trí các môn trong hệ thống chung và các yêu cầu cho từng môn học trong hệ thống kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần phải cung cấp cho người học.
Tôi nghĩ để đánh giá một cách đầy đủ và chuẩn xác về chương trình giáo dục phổ thông mà chúng ta hướng tới thì cần phải chờ chương trình cụ thể của các môn học cũng như đề cương chi tiết của nội dung các môn học.
Ở mức độ một bức tranh tổng thể để hình dung về chương trình giáo dục phổ thông trong tương lai thì dự thảo chương trình phổ thông tổng thể lần này đã giúp chúng ta nhìn rõ được định hướng và mong muốn của chương trình. Từ đó trông đợi vào những bước triển khai tiếp theo.
PV: Khi dự thảo được công bố có một số luồng ý kiến cho rằng, chương trình quá ôm đồm, tham vọng hay vẫn chưa giảm tải được số môn học là bao nhiêu. GS có đồng quan điểm với những ý kiến trên?
GS Đào Trọng Thi: Để đánh giá chương trình phổ thông tổng thể có ôm đồm hay không, có đạt được mục tiêu đặt ra là giảm tải so với chương trình hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tiếp cận kiến thức, kỹ năng mà không bị quá áp lực hay không, theo tôi, ở thời điểm này chưa đủ điều kiện để đánh giá.
Về cơ cấu môn học, chúng ta có rồi nhưng cụ thể từng môn học sẽ như thế nào, chương trình ra sao, mức độ kiến thức được đưa vào như thế nào, chúng ta chưa có. Như vậy rất khó để khẳng định chương trình áp lực hay quá tải.
Có thể thấy, trong dự thảo chương trình phổ thổng tổng thể, tổng số môn học nhiều lên, số môn học bắt buộc nhiều và xuất hiện thêm nhiều môn học mới. Nhìn vào đó nhiều người sẽ cảm ấy lo lắng nhưng cá nhân tôi cho rằng, cần phải hiểu bắt buộc không có nghĩa là “số một” mà là “kiến thức phải có”. Khi nào chúng ta có được đầy đủ thông số về môn học đó như học trong bao lâu, yêu cầu, độ khó như thế nào mới có thể kết luận được chính xác điều mà chúng ta đang bàn.
Tôi lấy một ví dụ thế này, một bài giảng mà học sinh có thể hiểu ngay trong giờ học khác với một bài giảng học sinh mất tới vài ngày vẫn chưa hiểu hết. Vì thế, quá tải không nằm ở số lượng môn mà ở lượng kiến thức và yêu cầu mà môn học đặt ra.
Còn về số lượng môn và các môn học lạ, điều này rất dễ hiểu. Vì chúng ta học để phân hóa nên cần tăng cường điều kiện để học sinh tự chọn các môn. Mà đã là tự chọn thì phải nhiều môn hơn. Nếu tự chọn mà vẫn ngần ấy môn như chúng ta học bắt buộc, các em học như nhau thì còn chọn cái gì?
Số môn có thể nhiều nhưng các em chỉ lựa chọn số ít trong những môn đó, mỗi em lựa chọn theo nhu cầu riêng của mình. Theo tôi, đó chính là ưu thế của chương trình này. Được học tập theo ý muốn, nguyện vọng, sở thích của mình chính là giúp giảm nhẹ cho quá trình học tập của các em.
Tôi giải thích như vậy để thấy, số môn học nhiều, số môn bắt buộc cũng nhiều nhưng chưa có căn cứ gì để chúng ta lo lắng chương trình quá tải. Chỉ khi chúng ta biết chương trình cụ thể, nội dung chi tiết của từng môn học, khối lượng kiến thức cho từng môn thì mới có căn cứ để kết luận.
Tuy nhiên, khi dư luận đặt ra vấn đề thì những người soạn thảo cũng nên lưu ý để hoàn thiện, tránh đi ngược lại mục đích, yêu cầu mà chúng ta đặt ra trong đổi mới chương trình phổ thông tổng thể lần này.
Cần tăng thêm số môn học định hướng nghề nghiệp
PV: Trong dự thảo mới công bố, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trở thành một môn học xuyên suốt từ tiểu học đến hết lớp 10. Trước đây hoạt động trải nghiệm sáng tạo được hiểu như một phương pháp học nay lại trở thành một môn học, GS có cho rằng đây là sự thay đổi hợp lý?
GS Đào Trọng Thi: Trải nghiệm sáng tạo là một cách thức, phương pháp học nhưng phương pháp đó muốn tạo được cho học sinh tiếp cận thông qua một môn học cụ thể, đây là cách bố trí chương trình thôi.
Trước kia hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được thể hiện qua một bài nói chuyện, cuộc trao đổi hay buổi thăm quan thực tiễn, còn bây giờ chúng ta thiết kế chương trình theo kiểu tích lũy các môn học, nên tất cả phải đưa dưới dạng môn học hoặc chuyên đề.
Tôi thấy đây chỉ là kỹ thuật trong việc thiết kế cơ cấu chương trình nên việc đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành một môn học tôi cho là phù hợp.
Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm để bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là năm học 2018 - 2019, vì vậy việc ngành Giáo dục đưa ra dự kiến thời điểm như trên được coi đảm bảo tiến độ.
Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm để bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là năm học 2018 - 2019, vì vậy việc ngành Giáo dục đưa ra dự kiến thời điểm như trên được coi đảm bảo tiến độ.
Thưa GS, một trong những mục tiêu của chương trình phổ thông mới là đảm bảo nhiệm vụ phân luồng hướng nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phần định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, 12 trong dự thảo chưa rõ ràng, chưa nhìn thấy hướng đi cụ thể của các em trong tương lai. Nhận xét của GS về vấn đề này ra sao?
GS Đào Trọng Thi: Khi các em kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản chúng ta phải cố gắng tạo ra động lực, chính sách, sự khuyến khích để một tỷ trọng nhất định học sinh sau THCS sẽ chuyển sang học giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, chuẩn bị cho sự phân luồng không nằm ở THPT mà ở chính từ trong chương trình giáo dục cơ bản.
Chương trình này đã đạt được mong muốn của chúng ta là đảm bảo định hướng nghề nghiệp cho học sinh hay chưa thì theo tôi là chưa. Nhưng những người xây dựng cơ cấu chương trình cũng đã xem đây là yêu cầu ưu tiên.
Thể hiện ở chỗ, trong 3 năm giáo dục THPT dành một năm đầu là học phân hóa nhưng bắt đầu phân hóa theo từng môn học, khác với giáo dục cơ bản (THCS) học các môn tích hợp là chính. Và 2 năm cuối chúng ta dành chủ yếu để học sinh học theo các môn học các em tự chọn theo sở thích cũng đồng thời là định hướng nghề nghiệp
Tôi rất hoan nghênh ban soạn thảo khi cân nhắc cho các em lựa chọn theo từng môn học mà không phải theo gói môn học giống như phân ban. Vì rõ ràng nghề nghiệp trong tương lai sẽ không còn đơn thuần chỉ tách biệt riêng khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội nữa mà sẽ có những nghề kết hợp hài hòa giữa hai tổ hợp này. Đây là một bước tiến để học sinh được lựa chọn phù hợp với sở trường, nguyện vọng và phù hợp với định hướng nghề nghiệp hơn.
Tuy nhiên chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu về số lượng môn học tự chọn, càng ngày càng phải mở rộng để tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn theo định hướng. Đặc biệt trong tương lai nghề nghiệp sẽ ngày càng đa dạng hơn nên các môn học cũng cần tiếp tục phát triển để phù hợp.
Yêu cầu cao nhất là đảm bảo chất lượng
Dự kiến, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2018 - 2019. Khi từ nay đến đó chỉ còn hơn 1 năm nữa, liệu có quá cập rập không, thưa GS?
Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm để bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là năm học 2018 - 2019, vì vậy việc ngành Giáo dục đưa ra dự kiến thời điểm như trên được coi đảm bảo tiến độ.
Có mấy vấn đề tôi muốn phân tích để thấy rằng chúng ta có thể trông đợi vào việc chương trình sẽ đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước hết, quá trình soạn thảo chương trình và sách giáo khoa lần này làm bài bản hơn, xây dựng chương trình trước, viết sách giáo khoa sau, lần trước chúng ta làm ngược lại là chỉ phác thảo chương trình rồi viết sách giáo khoa trước, sau đó hoàn thiện chương trình. Với việc triển khai kỹ thuật làm việc mới là làm khung rồi những cái khác thực hiện theo khung đó, hy vọng quá trình sẽ nhanh hơn.
Thứ hai, lần này trong phương pháp biên soạn chúng ta đã bỏ đi yêu cầu thực nghiệm toàn bộ chương trình, trước kia chúng ta thực nghiệm toàn bộ chương trình trên toàn bộ số học sinh. Lần này sẽ chỉ thực nghiệm những nội dung mới và những phương pháp giáo dục mới, còn những gì đã cũ không cần thực nghiệm nữa vì đã được chứng minh trong thực tế rồi.
Thứ ba, chương trình mới đưa ra dựa trên cơ sở chủ yếu là kế thừa. Trên cơ sở các nội dung cũ, chúng ta liên kết lại, cấu trúc lại sao cho phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. Như vậy, những cái thực sự mới một cách tổng thể, đầy đủ, toàn diện là không nhiều, đó chỉ là một số mô-đun mới, một số bộ phận mới và chúng ta chỉ thử nghiệm có phần đó thôi.
Với tất cả những đổi mới ấy trong quy trình, phương pháp biên soạn chương trình sách giáo khoa, trong đó có cả yêu cầu về thực nghiệm thì chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn được thời gian so với trước đây.
Đương nhiên tôi vẫn thống nhất về nguyên tắc yêu cầu về chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu, không vì chạy theo thời gian mà bỏ qua yêu cầu này. Cố gắng thực hiện theo lộ trình Nghị quyết Quốc hội đề ra nhưng nếu trong quá trình thực hiện thấy cố gắng thực hiện ấy mà gượng ép, dẫn đến vi phạm về chất lượng cũng cần phải tính toán sao cho hợp lý.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Nên dùng cả phẩm chất và năng lực
Chia sẻ về luồng ý kiến cho rằng trong chương trình phổ thông tổng thể không nên đặt ra phẩm chất với học sinh mà chỉ cần đặt ra năng lực bởi từ năng lực sẽ hình thành phẩm chất, GS Đào Trọng Thi cho rằng, trong các văn kiện, quy định chính thức của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội chúng ta đều dùng là phẩm chất và năng lực. Như vậy chúng ta nên bám sát những vấn đề quy định trong các văn bản có giá trị pháp lý và chính thức.
Cũng theo GS Đào Trọng Thi, không nên phân biệt quá rạch ròi thế nào là năng lực, thế nào là phẩm chất, vì có những cái vừa là năng lực, vừa là phẩm chất, không thể phân biệt được. Giữa hai khái niệm này có phần bao hàm nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Bên cạnh đó, cũng nên dùng khái niệm gì để cả xã hội sẽ hiểu đúng chứ không hiểu sai, vì vậy, chúng ta nên dùng cả phẩm chất và năng lực.