Nâng cao chất lượng giáo viên tiểu học, nhiệm vụ cấp thiết
Thời gian qua, đã có không ít ý kiến cảnh báo về sự bất cập trong nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên tiểu học (GVTH), yêu cầu cấp thiết trong việc bồi dưỡng năng lực tiếp cận “cái mới” cho đội ngũ giáo viên đã qua nhiều năm đứng lớp.
Hội thảo lần này với mong muốn cùng các nhà khoa học tìm ra những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học, góp phần rút ngắn khoảng cách, điều chỉnh sự vênh lệch giữa lí luận và thực tiễn… đáp yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015.
Tại hội thảo, 49 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học đến từ nhiều cơ sở đào tạo khắp cả nước đã được đưa vào kỷ yếu trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Lý luận về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực; Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các cơ sở giáo dục; Kinh nghiệm thế giới về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học; Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Đây là những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm đào tạo giáo viên từ trải nghiệm bản thân, song đồng thời, cũng đặt ra rất nhiều vấn đề khoa học, những trở trăn mà thực tiễn đặt ra, đòi hỏi các nhà giáo dục phải “vào cuộc”.
Về vấn đề về lí luận đào tạo, bồi dưỡng GVTH theo chương trình phổ thông mới. Theo ý kiến PGS.TS Vũ Quốc Chung – ĐHSP Hà Nội, c huẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học ban hành từ năm 2007, được xây dựng trên 3 lĩnh vực: Kiến thức, kỹ năng và thái độ, chưa phản ánh được các tiêu chuẩn, tiêu chí, mức và minh chứng để đánh giá giáo viên theo tiếp cận năng lực.
Do đó đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên tiểu học cần có một chuẩn năng lực nghề nghiệp mới. Nếu làm được như vậy đổi mới đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên sẽ đồng bộ với đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.&
PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế - phát biểu tại lễ khai mạc |
GVTH đổi mới trong bối cảnh hội nhập
Đề cập đến việc đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong bài tham luận của mình tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐHSP Huế - nhấn mạnh những nguyên nhân khiến việc đào tạo giáo viên tiểu học trong thời gian qua còn nhiều hạn chế đó là: Hiện nay cả nước có 6 trường ĐHSP và hàng chục trường CĐSP, khoa sư phạm trực thuộc các trường ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành này hầu như ở đơn vị nào cũng là đông nhất. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng GVTH đã đến giai đoạn bão hòa.
PGS.TS Nguyễn Thi Kim Thoa - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐHSP Huế -trình bày tham luận tại hội thảo |
Hiện nay, rất nhiều sinh viên đại học nói chung và ngành giáo dục tiểu học nói riêng sau khi tốt nghiệp không tìm việc làm đúng chuyên môn. Nhiều sở GD&ĐT tuyên bố không tuyển GV tiểu học trong thời gian dài.
Vì vậy về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần định hướng, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, xem xét và giao nhiệm vụ cho các đơn vị đủ điều kiện và uy tín mới được phép tuyển sinh và đào tạo GVTH. Tránh tình trạng như hiện nay, tỉnh nào cũng mở trường, lớp đào tạo GVTH dẫn đến tình trạng "cung vượt quá cầu"
Đề cập đến vấn đề nâng cao chuyên môn, đội ngũ giảng viên theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa, nếu các trường, khoa sư phạm không đưa ra yêu cầu cao đối với giảng viên trong việc nâng cao học hàm, học vị khẳng định vị thế của người thầy thì khó thuyết phục người học.
Đặc biệt, giảng viên ngoài khả năng sử dụng tiếng Anh, cũng nên học thêm ngoại ngữ khác như tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Nhật... để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
PGS.TS Vũ Quốc Chung – ĐHSP Hà Nội - trăn trở trong công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học |
Trước những thách thức lớn mà giáo dục đào tạo bậc tiểu học đặt ra, tại hội thảo phần lớn các tác giả tập trung vào vấn đề trọng tâm hiện nay, cũng là chủ đề được kì vọng nhiều nhất tại hội này nói riêng và trong định hướng chiến lược phát triển giáo dục nói chung, đó là các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng GVTH đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Các tác giả Trần Thị Tú Anh – Nguyễn Phước Cát Tường, Nguyễn Văn Bản, Trần Thị Kim Cúc, Vũ Trọng Đông, Phan Thị Hương Giang...đã đưa ra rất nhiều vấn đề, từ định hướng, chính sách tới các giải pháp cụ thể trong hoạt động đào tạo giáo viên tiểu học, trong hoạt động dạy học ở tiểu học hiện nay.
Đây đều là những tiếng nói đầy trăn trở của các nhà khoa học, trong nỗ lực đổi mới, nâng cao hơn chất lượng giáo dục trước thay đổi của thời đại, trước thách thức của thực tiễn.
Qua hội thảo lần này, những nhà khoa học, cán bộ giảng dạy ở bậc tiểu học sẽ có thêm những kinh nghiệm quý báu, những kiến giải khoa học giàu giá trị thực tiễn; nhằm đồng thuận đưa ra những giải pháp thật cụ thể, thiết thực với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tiểu học, trước hết ở việc nâng cao chất lượng, phẩm chất của người giáo viên.