Điều chỉnh Chương trình Lịch sử cấp THPT: Có chút khó khăn nhưng không quá phức tạp

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết số 63, phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học chuyển thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học theo dự kiến của Bộ GD&ĐT được địa phương, nhà trường đánh giá là phù hợp. Trước thay đổi này, các trường chủ động để bắt nhịp nhanh nhất để triển khai khi có hướng dẫn chính thức.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TPHCM) trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: INT
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TPHCM) trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: INT

Việc điều chỉnh không quá khó

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), theo yêu cầu của Nghị quyết số 63/2022/QH15, Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả HS và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với môn lựa chọn, nhà trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để đáp ứng nhu cầu của người học, bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Từ thực tế địa phương, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, cách giải quyết vấn đề như trên trong điều kiện hiện tại là phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Nếu theo Thông tư 32, tổng số tiết (không tính môn tự chọn) là 1.015; nhưng nếu chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học, thì tổng số tiết còn lại là 997, giảm 18 tiết.

Cùng với đó, nếu trước đây học sinh được lựa chọn 5/10 môn học được thiết kế theo 3 nhóm; thì nay dự kiến đổi thành lựa chọn 4 trong 9 môn. Thay đổi này cũng là hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến số giờ học, tuần học trên năm học của khối 10,11,12; bảo đảm hài hòa với điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất - thiết bị, đáp ứng yêu cầu định hướng, phân luồng học sinh của các trường.

“Dự kiến tuần tới, Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức hội nghị với các hiệu trưởng để quán triệt, dự thảo hướng dẫn theo quy định mới; sau đó các đơn vị căn cứ vào đó để chủ động dự thảo phương án xây dựng tổ hợp và chuyên đề chờ khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chính thức sẽ bắt nhịp nhanh nhất có thể, bảo đảm mọi việc có thể hoàn tất trước khi bắt đầu năm học mới” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Tất nhiên, trước thay đổi này, đối với các địa phương, nhà trường cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Bởi Phú Thọ đã ban hành đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hội nghị triển khai liên quan đến nội dung này. Các đơn vị đã xây dựng xong tổ hợp và chuyên đề tương ứng; tuyên truyền sâu rộng tới HS, phụ huynh và xã hội, tổ chức cho học sinh đăng ký cùng với thời điểm đăng ký dự tuyển sinh vào lớp 10. Với dự kiến thực hiện theo phương án trên, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo nhà trường xây dựng lại tổ hợp môn học và chuyên đề học tập; tuyên truyền và hướng dẫn học sinh đăng ký lại; sau đó tổ chức xét vào lớp học theo nguyện vọng của các em.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cũng bày tỏ quan điểm cá nhân: Thực hiện theo Nghị quyết số 63, thay đổi này là phù hợp vì thời lượng học tương đương như chương trình hiện hành. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh An Giang đã xây dựng các tổ hợp môn và thông tin đến học sinh, phụ huynh, nên chắc chắn phải có điều chỉnh. Còn hướng triển khai cụ thể thế nào cần chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, qua thông tin dự kiến mà Bộ GD&ĐT đưa ra, việc điều chỉnh cũng không quá khó khăn, vì Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình hiện hành nên đội ngũ giáo viên đã có sẵn, thiết bị dạy học cũng vậy, chỉ điều chỉnh lại tổ hợp môn học.

Học sinh Hà Nội làm thủ tục trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ảnh: Thế Đại

Học sinh Hà Nội làm thủ tục trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Ảnh: Thế Đại

Chủ động chuẩn bị phương án

Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã xây dựng 12 tổ hợp và thông báo cho học sinh, phụ huynh học sinh. Các em đã chọn tổ hợp theo hình thức online. Với thay đổi có 52 tiết Lịch sử bắt buộc, nhà trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp và cho học sinh chọn lại. Việc điều chỉnh này, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan, với học sinh thì không khó còn nhà trường có chút khó khăn nhưng không quá phức tạp.

Cô Nguyễn Phương Lan đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn càng sớm càng tốt, giúp các trường có phương án chuẩn bị cho năm học mới chủ động và chu đáo nhất.

“Với tổ hợp có môn Lịch sử trước đây sẽ không thay đổi nhiều; nhưng ở tổ hợp khối Khoa học tự nhiên, nhà trường phải tính toán, điều tiết cả về số tiết và nhân lực dạy học, để làm sao tổng số tiết/tuần cao nhất phải tương đương với phương án cũ. Một thuận lợi của Bắc Giang là sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch để học sinh nhập học. Lúc này, việc điều chỉnh theo nguyện vọng của các em sẽ thuận lợi hơn” - chia sẻ điều này, cô Nguyễn Phương Lan cho biết: Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến theo điều chỉnh mới, để làm sao khi Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn chính thức có thể “lắp ghép” vào luôn, tránh lúng túng, bỡ ngỡ; đặc biệt là thống nhất, chuẩn bị trước tinh thần trong đội ngũ, không ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của cán bộ, giáo viên.

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng: Nếu bộ phận được giao nhiệm vụ điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử thực hiện đúng yêu cầu “hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh” thì việc điều chỉnh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 là phù hợp, vì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một chỉnh thể từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trong thời gian ngắn với nội dung công việc nhiều (điều chỉnh chương trình tổng thể, điều chỉnh chương trình môn học, thẩm định sách giáo khoa...) cũng là một thách thức không nhỏ.

Đứng ở góc độ nhà trường, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, việc điều chỉnh không nhiều khó khăn. Theo đó, điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua - thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử. Nhà trường sẽ cho HS điều chỉnh lại, chứ không đăng ký mới hoàn toàn, nhất là tổ hợp không có môn Lịch sử.

“Khi đổi sang phương án mới, nhà trường thông tin cho HS, cha mẹ HS hiểu và nắm được những môn trong tổ hợp đã chọn (bớt 1 môn) để có định hướng khi chọn tổ hợp các môn xét tuyển vào ĐH. Nếu có khó khăn thì chỉ là vấn đề bố trí giáo viên đảm nhiệm giảng dạy môn Lịch sử thời lượng nhiều hơn, trong khi các môn lựa chọn khác giáo viên chưa đủ định mức lao động (thừa thiếu cục bộ). Nếu điều chỉnh, trường đề xuất tăng định biên giáo viên môn Lịch sử, tăng cường thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm kế hoạch dạy học khi môn Lịch sử trở thành bắt buộc”. - Thầy Hoàng Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.